Thông tin về giao dịch bảo đảm, đặc biệt thông tin về đăng ký giao dịch bảo đảm phải được công khai rộng rãi thì mới phát huy được ý nghĩa, tác dụng.

Pháp luật về bảo đảm quy định, thông tin lưu giữ trong Sổ đăng ký Giao dịch bảo đảm, Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm và Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm được công khai cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu tìm hiểu.

Tuy nhiên, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 lại quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng, không được cung cấp thông tin này cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng quy định, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Như vậy, thông tin về giao dịch đặt cọc, đặt cược, ký quỹ, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh và tín chấp nếu thuộc trường hợp là khách hàng của các tổ chức tín dụng hoặc là người tiêu dùng thì phải được bảo mật theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Các biện pháp và tài sản bảo đảm của khách hàng tại các tổ chức tín dụng thuộc về thông tin tín dụng, chỉ được phép cung cấp cho 4 đối tượng sau:

- Tổ chức tín dụng có cung cấp thông tin cho Công ty thông tin tín dụng để xem xét cấp tín dụng cho khách hàng vay, kiểm soát các khoản tín dụng, thu hồi nợ và mục đích khác được pháp luật cho phép;

- Khách hàng vay để kiểm tra thông tin về bản thân tại kho dữ liệu của Công ty thông tin tín dụng hoặc làm tài liệu bổ sung cho việc xin cấp tín dụng;

- Công ty thông tin tín dụng khác để phục vụ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân không được sửa đổi hoặc sao chép sản phẩm thông tin tín dụng để cung cấp cho bên thứ ba, trừ trường hợp thuộc đối tượng được phép cung cấp thông tin nêu trên.

Như vậy, các đối tượng khác không được cung cấp thông tin về giao dịch và tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng, cho dù đây là dịch vụ có thu phí. Còn thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm tại các cơ quan đăng ký thì được phép công khai theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Tuy nhiên, pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm và pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm không có quy định cụ thể về việc cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm công bố thông tin về biện pháp bảo đảm.

Theo quy định của Luật tiếp cận thông tin năm 2016 thì cơ quan nhà nước có quyền chủ động công khai thông tin do mình tạo ra hoặc nắm giữ trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, luật này phải đến 01-07-2018 mới có hiệu lực.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer