Căn cứ pháp lý:

- Luật đấu thầu 2013

- Nghị định 63/2014/NĐ-CP

Nội dung:

Khái niệm: Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để kí kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Quy trình đấu thầu:

Trường hợp thứ nhất, đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ theo quy định tại Điều 28 Luật đấu thầu 2013:

"Điều 28. Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ

1. Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ;

b) Chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp;

c) Chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp;

d) Mua sắm trực tiếp đối với gói thầu mua sắm hàng hóa;

đ) Chỉ định thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư.

2. Nhà thầu, nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

3. Việc mở thầu được tiến hành một lần đối với toàn bộ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất."

Điều 11 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết như sau:

– Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, bao gồm:

+ Lập hồ sơ mời thầu;

+ Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu.

– Tổ chức lựa chọn nhà thầu, bao gồm:

+ Mời thầu;

+ Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu;

+ Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu;

+ Mở thầu.

– Đánh giá hồ sơ dự thầu, bao gồm:

+ Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu;

+ Đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu;

+ Xếp hạng nhà thầu.

– Thương thảo hợp đồng.

– Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.

– Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

Trường hợp thứ hai, đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn hai túi hồi sơ theo quy định tại Điều 29 Luật đấu thầu 2013:

"Điều 29. Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ

1. Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp;

b) Đấu thầu rộng rãi đối với lựa chọn nhà đầu tư.

2. Nhà thầu, nhà đầu tư nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

3. Việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà thầu, nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá."

Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định quy trình chi tiết như sau:

– Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, bao gồm:

+ Lựa chọn danh sách ngắn (nếu cần thiết);

+ Lập hồ sơ mời thầu;

+ Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu.

– Tổ chức lựa chọn nhà thầu, bao gồm:

+ Mời thầu;

+ Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu;

+ Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu;

+ Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.

– Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm:

+ Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;

+ Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;

+ Phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

– Mở và đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính, bao gồm:

+ Mở hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà thầu trong danh sách được duyệt;

+ Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về tài chính;

+ Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về tài chính;

+ Xếp hạng nhà thầu.

– Thương thảo hợp đồng.

– Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.

– Hoàn thiện, ký kết hợp đồng

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer