Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật dân sự 2015

- Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ

Nội dung:

Khái niệm

Khoản 2, Điều 4 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm có quy định về tài sản hình thành trong tương lai như sau:

“2. Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm cả tài sản đã được hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm mới thuộc sở hữu của bên bảo đảm.”

Đặc điểm:

Tài sản hình thành trong tương lai sẽ có một số đặc điểm sau:

Là tài sản: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản (Điều 105 BLDS 2015)

Thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết;

Bao gồm cả tài sản đã được hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm mới thuộc sở hữu của bên bảo đảm.

Các loại tài sản được quy định là tài sản hình thành trong tương lai:

Theo Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ – CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm thì tài sản hình thành trong tương lai gồm:

Tài sản được hình thành từ vốn vay;

Tài sản đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm;

Tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất.

Điều kiện để tài sản hình thành trong tương lai được thực hiện giao dịch:

- Tài sản do các bên thỏa thuận và phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm. Điều kiện này được đặt ra bởi khi bên bảo đảm không thực hiện được nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm thì tài sản bảo đảm lúc này sẽ bị đưa ra để thực hiện nghĩa vụ chính trong hợp đồng. Do đó, tài sản bắt buộc phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm thì lúc này mới xử lý được.

Tài sản đảm bảo không phải là đối tượng bị tranh chấp về quyền sở hữu cũng như quyền sử dụng.

Tài sản bảo đảm phải là tài sản được phép giao dịch. Tài sản được phép giao dịch là tài sản không bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm.

Tài sản bảo đảm phải được xác định cụ thể. Bởi là tài sản hình thành trong tương lai nên phải có các giấy tờ chứng minh rằng tài sản đó chắc chắn sẽ hình thành trong tương lai, và chắc chắn thuộc quyền sở hữu bên bảo đảm vào thời điểm phải xử lí tài sản đó.

Ngoài những điều kiện chung trên, tài sản hình thành trong tương lai còn phải đáp ứng các điều kiện sau mới được phép giao dịch:

Tài sản hình thành trong tương lai sử dụng vào giao dịch bảo đảm phải là “vật”. “Vật” có thể gồm: động sản, bất động sản, vật chính, vật phụ, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định.

Tài sản hình thành trong tương lai dùng vào giao dịch bảo đảm phải là tài sản chưa hình thành. quy định này loại trừ những tài sản đã hiện hữu có được do mua bán, tặng cho, thừa kế… nhưng chưa hoàn thành việc chuyển giao quyền sở hữu.

Tài sản hình thành trong tương lai dùng vào việc bảo đảm sẽ phải thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp nhưng hiện tại chưa có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer