(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Cơ sở pháp lý:

Bộ luật dân sự 2015

Nội dung:

Khái niệm: Được quy định tại Khoản 1 Điều 149 BLDS 2015, thời hiệu là thời hạn do luật định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật định. Thời hiệu được áp dụng theo quy định của BLDS, luật khác có liên quan.

Thời hiệu khởi kiện theo quy định BLDS 2015

Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

Giao dịch dân sự vô hiệu trong các trường hợp sau đây:

Do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (Điều 123);

Do giả tạo (Điều 124);

Do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 125);

Do bị nhầm lẫn (Điều 126);

Do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 127);

Do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (Điều 128);

Do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129);

Khoản 1 Điều 132 BLDS quy định, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:

Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;

Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;

Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng:

Được quy định tại Điều 429 BLDS 2015, thời hiệu để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết về quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại:

Căn cứ quy định tại Điều 588 BLDS 2015, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Thời hiệu thừa kế:

Được quy định tại Điều 623 BLDS 2015, cụ thể:

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện:

Điều 155 BLDS 2015 quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong các trường hợp sau:

Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

Trường hợp khác do luật quy định.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com.

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer