Trả lời

Cơ sở pháp lý: Điều 21 BLHS 2015 sd, bs 2017

Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: " Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự."

Dấu hiệu y học: Người gây thiệt hại cho xã hội là người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác gây rối loạn hoạt động tâm thần. Các loại bệnh này có thể là mãn tính hoặc đột ngột nhất thời. Có thể kể đến một số loại bệnh như tâm thần ở các thể trầm trọng, bệnh si ngốc (ngu, đần, thộn), hoặc hoạt động tinh thần bị rối loạn do các bệnh khác như sốt rét ở nhiệt độ quá cao gây mê sảng.

Theo các nhà y học khi mắc bệnh tâm thần thì làm ảnh hưởng đến hoạt động nhận thức của con người và từ đó ảnh hưởng đến khả năng điều khiển hành vi của họ.

Vì thế, trong thực tế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ người thực hiện hành vi phạm tội không có năng lực trách nhiệm hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Kết luận giám định sẽ cho biết  người đó có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình hay không khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đây là việc làm bắt buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng khi cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người theo quy định của luật tố tụng hình sự.

Dấu hiệu tâm lý: Do mắc bệnh tâm thần đã làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi.

Dấu hiệu tâm lý phản ánh khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm của hành vi, nhận thức về những đòi hỏi của xã hội khi thực hiện hành vi nhất định. Người không có năng lực trách nhiệm hình sự là người bị mất đi năng lực đánh giá hành vi đã thực hiện, họ không hiểu được hành vi đó là đúng hay sai, có phù hợp với chuẩn mực xã hội hay không, có phù hợp với quy định của pháp luật hay không. Chính vì sự rối loạn nhận thức như vậy, nên họ không thể kiềm chế việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng như cân nhắc, lựa chọn xử sự cho phù hợp với đòi hỏi của xã hội.

Mối quan hệ giữa dấu hiệu y học và dấu hiệu tâm lý:

Như vậy, một người được coi là trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự phải đồng thời thỏa mãn hai dâú hiệu y học (mắc bệnh) và tâm lý (khả năng nhận thức) trong đó dấu hiệu tâm lý có vai trò quyết định. Hai dấu hiệu này có mối quan hệ chặt chẽ nhau, dấu hiệu y học với vai trò là nguyên nhân và dấu hiệu tâm lý giữ vai trò là kết quả. Tiêu chuẩn y học là điều kiện cần để xem xét người đó có năng lực trách nhiệm hình sự hay không. Tiêu chuẩn tâm lý là điều kiện đủ để xác định người đó không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Chính vì vậy, chúng ta không thể kết luận một người mắc bệnh tâm thần là tất yếu phải dẫn đến mất năng lực trách nhiệm hình sự. Bởi nếu người mắc bệnh tâm thần nhưng ở mức độ nhẹ, chỉ làm hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (họ vẫn là người có điều kiện để có lỗi) thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho xã hội nhưng có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Việc xác định hai dấu hiệu y học và tâm lý phải thông qua giám định tâm thần tư pháp. Kết luận giám định tâm thần tư pháp là căn cứ để kết luận một người gây thiệt hại cho xã hội có thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự hay không.

Luật hình sự Việt Nam quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự chỉ là trường hợp đặc biệt, còn nói chung đa số những người không rơi vào tình trạng quy định tại Điều 21 BLHS 2015 thì mặc nhiên được coi là có năng lực TNHS.

Trên đây là những tư vấn sơ bộ của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm.Để được tư vấn cụ thể hơn, vui lòng gửi mail về cho chúng tôi theo địa chỉ: congtyluatsaoviet@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp đến tổng đài 1900 6243.

Trân trọng.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer