Hàng thừa kế tài sản

1. Cơ sở pháp lý

 - Bộ luật dân sự 2015

2. Nội dung

Người để lại di sản thừa kế mất không để lại di chúc, thì khi chia di sản thừa kế theo hàng thừa kế, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản ngang nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được nhận di sản nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước hoặc còn nhưng từ chối quyền thừa kế hoặc bị truất quyền hưởng di sản thừa kế

Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nôi của người chết.

Quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng:

  • Vợ chồng đã chia tài sản chung nhưng không ly hôn, sau đó một người chết về mặt pháp lý thì người kia vẫn được thừa kế di sản của người đã chết.
  • Vợ chồng sống ly thân nhưng không ly hôn thì người kia vẫn được hưởng di sản của người đã chết.
  • Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó kết hôn với người khác hoặc sống chung với người khác như vợ chồng vẫn được hưởng di sản của người đã chết.
  • Vợ chồng đang xin ly hôn mà chưa được Toàn án cho ly hôn hoặc đã được Tòa án cho ly hôn nhưng quyết định của bản án chưa có hiệu lực pháp luật mà một bên chết thì người còn sống vẫn được hưởng di sản thừa kế.
  • Đối với trường hợp một người có nhiều vợ, nhiều chồng trước ngày 13/01/1960 ở Miền Bắc, trước ngày 25/03/1977 ở Miền Nam, cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc (trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến 1975) lấy vợ, lấy chồng khác và kết hôn sau không bị Tòa án hủy bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này, người chồng, người vợ được hưởng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của tất cả những người chồng (vợ) và ngược lại.
  • Đối với các trường hợp hôn nhân không đăng ký kết hôn nhưng được thừa nhận là hôn nhân thực tế (gồm các cuộc hôn nhân được tiến hành trước ngày Luật hôn nhân và gia đình 1986 có hiệu lực có đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng kí kết hôn) thì quan hệ vợ chồng giữa họ vẫn được thừa nhận và do vậy họ là người thừa kế theo pháp luật của nhau ở hàng thừa kế thứ nhất.
  • Hai vợ chồng đã ly hôn nhưng sau đó quay lại sống chung với nhau trước ngày Luật hôn nhân và gia đình 1986 có hiệu lực mà cuộc sống chung đó không bị hủy bỏ bằng một bản án có hiệu lực pháp luật thì họ vẫn được thừa nhận là có quan hệ vợ chồng theo hôn nhân nên họ vẫn là người thừa kế theo pháp luật của nhau ở hàng thừa kế thứ nhất.

Quan hệ thừa kế giữa cha, mẹ và con:

Quan hệ thừa kế giữa cha, mẹ và con là quan hệ thừa kế mang tính hai chiều. Quan hệ này được xác định một trong hai căn cứ:

  • Quan hệ huyết thống thì đó là những người có cùng dòng máu trực hệ trong phạm vi hai đời liền kề nhau (cha-mẹ đẻ, con đẻ). Con đẻ được hưởng thừa kế của cha mẹ đẻ không kể là con trong giá thú hay con ngoài giá thú và ngược lại.
  • Quan hệ nuôi dưỡng thì là quan hệ giữa những người nuôi dưỡng lẫn nhau theo cha-con, mẹ-con, cha-mẹ nuôi với con nuôi được pháp luật thừa nhận. Cha-mẹ nuôi là người thừa kế ở hàng thứ nhất khi người con nuôi đó chết và ngược lại.

Đối với trường hợp người nhận nuôi con không đăng kí việc nhận nuôi theo đúng quy định của pháp luật thì cha, mẹ nuôi với con nuôi chỉ là người thừa kế ở hàng thứ nhất khi được công nhận nuôi con nuôi thực tế.

Quan hệ nuôi dưỡng phải tồn tại cho đến thời điểm mở thừa kế. Vì vậy, nếu việc con nuôi chám dứt trước thời điểm mở thừa kế thì giữa họ không được hưởng di sản của nhau.

 Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

  • Quan hệ thừa kế giữa ông bà với cháu: Ông bà nội là người sinh ra cha của cháu, ông bà ngoại là người sinh ra nẹ của cháu. Nếu cháu (ruột) chết thì ông bà nội, ông bà ngoại ở hàng thừa kế thứ hai của cháu và ngược lại.
  • Quan hệ thừa kế giữa anh ruột, chị ruột với em ruột: Anh, chị, em ruột là những người có cùng huyết thống về đằng cha hoặc đằng mẹ hoặc cả đằng cha đằng mẹ. Anh, chị, em ruột là hàng thừa kế thứ hai của nhau.

Con riêng của vợ, con riêng của chồng không phải là anh chị em ruột của nhau. Con nuôi của một người không đương nhiên trở thành anh, chị, em của on đẻ người đó. Do đó, con nuôi và con đẻ của một người không phải là người thừa kế hàng thứ hai của nhau.

Người làm con nuôi người khác vẫn được hưởng thừa kế hàng thứ hai của anh chị em ruột mình. Người có anh, chị, em ruột làm con nuôi người khác vẫn là người thừa kế hàng thứ hai của người đã làm con nuôi người khác đó.

Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

  • Quan hệ thừa kế giữa cụ với chắt: Cụ nội là người sinh ra ông hoặc bà nội của người đó, cụ ngoại là người sinh ra ông hoặc bà ngoại của người đó.Khi các cụ chết, chắt ruột là người thừa kế ở hàng thứ ba để hưởng di sản thừa kế và ngược lại.
  • Quan hệ thừa kế giữa bác ruột, cô ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột với cháu ruột: Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột là anh chị em ruột của bố hoặc mẹ của cháu. Khi cháu ruột chết, anh chị em ruột của bố, mẹ thuộc hàng thừa kế thứ ba của cháu và ngược lại.
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer