Câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp phải có Điều lệ? Khi soạn thảo điều lệ cần lưu ý những vấn đề gì?

Vai trò của điểu lệ trong doanh nghiệp

Trả lời:

* Tại sao doanh nghiệp cần có Điều lệ công ty

Song hành cùng những quy định của pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến Doanh nghiệp mà doanh nghiệp luôn phải chấp hành thì Điều lệ Công ty là một trong những văn bản quan trọng nhất trong điều hành và quản lý, được coi là “Hiến pháp” của doanh nghiệp. Tại sao lại như vậy?

Có thể thấy Điều lệ là bản thỏa thuận giữa những người sáng lập công ty với các cổ đông, thành viên hoặc giữa các thành viên, cổ đông với nhau cùng được soạn ra căn cứ trên những khuôn mẫu chung của pháp luật để ấn định cách tạo lập, hoạt động và giải thể của một doanh nghiệp.

Điều lệ quy định những vấn đề cốt lõi và nền tảng cho cho sự vận hành của Công ty. Thành viên, cổ đông nhìn vào Điều lệ sẽ biết được quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Người ngoài có thể đọc Điều lệ để biết được công ty làm gì, đại diện theo pháp luật của công ty là ai, quyền và nghĩa vụ của các cổ đông, thành viên, góp vốn, căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương, những nguyên tắc thực hiện quyền, giải quyết tranh chấp nội bộ phát sinh,… Điều lệ chính là nơi các đối tượng liên quan tìm thấy quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

* Khi soạn thảo Điều lệ công ty cần lưu ý những vấn đề gì

- Các nội dung của Điều lệ phải phù hợp với quy định của pháp luật như: Luật doanh nghiệp; luật dân sự; luật thuế, luật thương mại,…

- Điều lệ phải được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận giữa các bên thông qua họp, thảo luận, đàm phán;

- Điều lệ Công ty phải có đầy đủ các nội dung sau:

+ Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);

+ Ngành, nghề kinh doanh;

+ Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;

+ Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối cới công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập;

+ Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;

+ Cơ cấu tổ chức quản lý;

+ Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần;

+ Thể thức thông qua quyết định của côn ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

+ Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và Kiểm soát viên;

+ Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phẩn đối với công ty cổ phần;

+ Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;

+ Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản của công ty;

+ Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.

- Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp phải có họ, tên và chữ lý của những người sau đây:

+ Thành viên hợp doanh đối với công ty hợp danh;

+ Chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

+ Thành viên là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

+ Cổ đông sáng lập là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty cổ phần.

- Khi Điều lệ được xây dựng khi thành lập doanh nghiệp và việc sửa đổi, bổ sung phải có họ, tên và chữ ký của những người sau đây:

+ Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh;

+ Chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần.

Điều lệ công ty có vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, do đó công ty cần lưu ý các vấn đề khi soạn thảo điều lệ. Với vai trò quan trọng như vậy nên pháp luật quy định doanh nghiệp bắt buộc phải lưu giữ điều lệ tại trụ sở chính hoặc địa điểm khác được quy định trong Điều lệ. Nếu doanh nghiệp không lưu giữ Điều lệ có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.  

Trên đây là ý kiến tư vấn của luật Sao Việt, mọi thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp về pháp lý doanh nghiệp vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline 1900 6243./

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer