Chào Công ty Luật TNHH Sao Việt: Tôi và vài người bạn dự định thành lập Công ty cổ phần, nhưng chúng tôi chưa rõ thời hạn góp vốn của các cổ đông trong Công ty cổ phần là bao lâu; khi hết thời hạn góp vốn mà cổ đông chưa góp đủ vốn có bị phạt không; khi góp vốn vào doanh nghiệp thì cổ đông là cá nhân phải chuyển khoản hay góp vốn bằng tiền mặt. Trân trọng cảm ơn!

(Hình ảnh mang tính minh họa, Nguồn: Internet)

Trả lời:

Với thắc mắc của bạn, Luật Sao Việt giải đáp như sau:

Thứ nhất: Về thời hạn góp vốn của các cổ đông trong công ty cổ phần

Luật doanh nghiệp 2014 quy định: Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua.

Như vậy, thời hạn góp vốn của cổ đông công ty cổ phẩn tối đa là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc một thời hạn khác do Điều lệ Công ty, hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định nhưng cũng không được quá 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thứ hai: Không góp đủ số vốn đã đăng ký thì bị xử phạt như thế nào?

Nếu doanh nghiệp không góp đủ vốn như đã đăng ký thì theo quy định tại Khoản 3, Điều 112, Luật doanh nghiệp 2014 thì:

Số vốn chưa được góp được coi là số vốn chưa bán được, Hội đồng quản trị được quyền tiếp tục bán để huy động đủ số vốn đăng ký ban đầu. Trong trường hợp sau khi Hội đồng quản trị bán mà không góp đủ số vốn đã đăng ký thì Công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm vốn điều lệ trong thời hạn 30 ngày kể từ khi hết thời hạn góp vốn.

Nghị định 50/2016/NĐ – CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư tại Khoản 3, Điều 28. Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.

Đồng thời, doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp.

Thứ ba: Khi góp vốn phải góp bằng tiền mặt hay chuyển khoản

Theo quy định Thông tư 09/2015/ TT- BTC hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ – CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt:

Điều 3. Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.

“1. Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn mà mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.

2. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:

a) Thanh toán bằng Séc;

b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

3. Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác bằng tài sản (không phải bằng tiền) thực hiện theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.

Mặt khác, theo Công văn 786/TCT – CS ngày 01/03/2016 của Tổng cục thuế: Chính sách thuế quy định về thanh toán bằng tiền mặt:

Tại Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ – CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt quy định:

"Điều 6. Giao dịch tài chính của doanh nghiệp

1. Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.

2. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau

Căn cứ quy định trên thì các doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt khi góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp. Quy định trên không áp dụng bắt buộc đối với cá nhân khi góp vốn vào doanh nghiệp.”

Theo đó:

- Doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn vào doanh nghiệp khác mà sử dụng các hình thức: Thanh toán bằng Séc; Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền; Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành (thanh toán thư tín dụng; thanh toán thẻ ngân hàng).

- Cá nhân khi góp vốn vào các doanh nghiệp không có quy định bắt buộc góp vốn phải qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên để đảm bảo minh bạch, khách quan thì cá nhân góp vốn vào doanh nghiệp nên góp vốn qua ngân hàng.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer