Câu hỏi:

Thưa luật sư, xin hỏi: Tôi là giám đốc doanh nghiệp có quy mô từ 800 – 1000 lao động, Luật sư cho tôi hỏi trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với lao động như thế nào để tránh việc bị khiếu nại, khiếu kiện?

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn,Luật Sao Việt tư vấn các vấn đề cơ bản như sau:

Theo quy định tại Điều 118 Bộ luật lao động 2012 thì “ kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân thủ theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất kinh doanh trong nội quy lao động”. Từ những quy định trên, có thể hiểu rằng nội dung cơ bản của kỷ luật lao động là những nghĩa vụ mà người lao động phải chấp hành, được quy định trong nội quy lao động của doanh nghiệp.

Một quyết định kỷ luật lao động được xác định là hợp pháp khi đảm bảo các yêu cầu sau:

- Thứ nhất, quyết định kỷ luật phải có căn cứ, người lao động phải có hành vi vi phạm kỷ luật lao động được quy định trong nội quy lao động. Hình thức xử lý kỷ luật mà Người sử dụng lao động cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật lao động và nội quy lao động hợp pháp của doanh nghiệp.

- Thứ hai, quyết định kỷ luật phải được ban hành trong thời hạn của thời hiệu xử lý kỷ luật lao động. Theo quy định tại Điều 124 BLLĐ 2012 thì quyết định kỷ luật phải được ban hành trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động; trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày xảy ra các hành vi vi phạm kỷ luật khác. Trong trường hợp NLĐ đang trong thời gian không được kỷ luật thì thời hiệu được tính theo quy định tại khoản 2 điều này.

 - Thứ ba, NSDLĐ phải tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật và không vi phạm quy định cấm khi xử lý kỷ luật người lao động (Điều 123 BLLĐ 2012):

+ Trước khi ban hành quyết định kỷ luật người lao động, người sử dụng lao động phải tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động để chứng minh lỗi, hành vi vi phạm của người lao động cũng như để người lao động thực hiện quyền tự bảo vệ cho mình hoặc nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình. Trình tự, thủ tục họp kỷ luật lao động được quy định tại Điều 123 BLLD 2012, Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, Điều 12 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

+ NSDLĐ không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động; khi một người lao động có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất; NSDLĐ không được xử lý đối với NLĐ theo quy định tại khoản 4, 5 Điều 123 BLLD 2012, Điều 29 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, Điều 11 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

+ NSDLĐ không vi phạm quy định cấm khi xử lý kỷ luật NLĐ (Điều 128 BLLD 2012) như: Không được xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động; không được dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; không được xử lý kỷ luật lao động đối với lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.

- Thứ tư, người ký quyết định kỷ luật lao động phải là người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, đó là người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của DN. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách. (khoản 4 Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP).

Kỷ luật lao động có ý nghĩa rất lớn đối với các bên có quan hệ lao động, là một trong các biện pháp pháp lý quan trọng để người sử dụng lao động thực hiện quyền quản lý của mình trong doanh nghiệp và là cơ sở để tổ chức lao động hiệu quả. Do đó, bạn hết sức lưu ý về trình tự, thủ tục khi xử lý kỷ luật lao động để hạn chế được các tranh chấp dễ ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp của mình.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm, nếu có thắc mắc vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6243 để được giải đáp.

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer