Vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi “ Thuê xã hội đen đòi nợ”

Nguồn ảnh: Internet

Trên thực tế chúng ta đều đã nghe rất nhiều đến những vụ việc liên quán đến thu hồi nợ xấu, đòi nợ thuê và các hành vi tương tự. Phần lớn các vụ việc đều được biết đến do bị khởi tố về một tội danh hình sự. “Đòi nợ” là một hành vi có thể nói tương đối “nhạy cảm”, bởi vì khi người thực hiện hành vi đó có thể đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về rất nhiều tội danh.

Đòi nợ được biến tướng và thực hiện dưới nhiều hình thức, nhưng phổ biến và nguy hiểm hơn cả đó là thuê xã hội đen đòi nợ. Khi hành vi đòi nợ được thực hiện dưới hình thức thuê xã hội đen sẽ mang tính chất nguy hiểm rất cao vì thường các đối tượng đó sẽ sử dụng vũ lực hoặc các hình thức tạo sức ép tinh thần nên “con nợ” để thu hồi được tiền nợ một cách nhanh chóng. Như vậy, với các yếu tố tính chất hành vi đó nó đã xâm phạm trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị đòi nợ. Tùy thuộc vào hành vi, tính chất, mức độ thì những người thực hiện hành vi đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và tiêu biểu, phổ biến là 2 tội danh:

- Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là chung thân và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

- Tội cưỡng đoạt tài sản tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù giam hoặc có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

………………………………

 

Những quy định về tình tiết xác định khung hình phạt đối với những loại tội phạm mà hình thức đòi nợ kia có thể bị truy cứu chỉ có những tình tiết tăng nặng, không có quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các tội danh đó. Vì đa số đều cho rằng họ thực hiện hành vi côn đồ, mang tính đe dọa, thậm chí có hành vi để lại tổn hại về sức khỏe chỉ nhằm mục đích thu hồi được số tiền nợ. Nhưng liệu áp dụng cho tất cả các trường hợp khi đòi nợ có đúng và phù hợp với thực tiễn?

Trong quy định về tội cướp tài sản, người thực hiện hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm mục đích cướp tài sản là thỏa mãn điều kiện truy tố. Nhưng xét về thực tiễn, có những trường hợp lỗi thuộc về phía người nợ tiền, họ có hành vi thách thức, lời nói tiêu cực đối với chính người mình đang nợ tiền, tạo cho phía người đang “đòi nợ” một tâm lí bị rơi vào trạng thái bị kích động và đó là nguyên nhân dẫn đến hành vi sử dụng vũ lực.

Nếu như xét về bản chất của tội phạm theo quy định của pháp luật nước ta, tội phạm được xác định khi có đủ các yếu tố cấu thành và  yếu tố có thể nói là quan trọng nhất đó là hành vi khách quan, hậu quả xảy ra bởi việc thực hiện hành vi khách quan đó, đối với tội phạm hình thức như tội cướp tài sản thì sẽ cấu thành không cần dựa vào hậu quả mà dựa vào hành vi khách quan và về yếu tố chủ quan đó là mục đích của hành vi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người đi đòi nợ, sử dụng vũ lực tấn công người nợ tiền hoặc tài sản vì nguyên nhân bị chính “con nợ” khiêu khích, kích động tinh thần chứ không hoàn toàn là dùng vũ lực để nhằm cướp tài sản hay tiền từ phía người kia nhưng vẫn bị khởi tố về tội cướp tài sản.

Ở một quy định khác, với trạng thái tinh thần bị khiêu khích như vậy mà thực hiện hành vi tấn công người kia, thì sẽ được xem xét với tình tiết tinh thần bị kích động mạnh. Điều cần phải bàn luận và xem xét ở đây là có cần phải sửa đổi về các tình tiết trong quy định về tội cướp tải sản nói riêng và các tội xâm phạm quyền sở hữu nói chung hay không?

Có nhiều trường hợp, người chủ nợ thuê người đòi nợ về thu hồi tiền hoặc tài sản giúp mình là họ đang tự bảo vệ quyền lợi đối với tài sản của mình. Bởi vì chính những “con nợ” lại là những người có lời nói, thái độ, đe dọa về số nợ đấy trước hay cụ thể là bày tỏ ý định không trả nợ bằng một thái độ đầy thách thức. Dù là tội phạm hình thức hay nội dung, thì cần phải có những quy định bao quát và phù hợp thực tiễn nhất, ở đây quy định về tội cướp tài sản, chỉ bao gồm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà không hề đề cập tới tình tiết giảm nhẹ. Mục đích của việc đòi nợ là lấy lại tiền hợp pháp của mình đã cho vay đi, còn tội phạm đi cướp tài sản thì mục đích của họ là lấy tiền và tài sản vốn dĩ không là của họ.

Đối tượng hướng tới đều là tài sản, nhưng nguồn gốc những tài sản đó là khác nhau, vậy tại sao lại có một quy định về trách nhiệm hình phạt chung mà trong đó không hề có tình tiết cho những trường hợp như đã đề cập ở trên.

Có những quan điểm cho rằng, những người cho vay tiền đi nên đòi lại tiền bằng một cách hợp pháp, ví dụ như sẽ yêu cầu pháp luật giải quyết hoặc hòa giải…tuy nhiên trong thực tế những giải pháp đó sẽ không phải lựa chọn tối ưu đối với một bộ phận người dân tham gia vào quan hệ tài sản đó. Nguyên nhân từ phía chủ nợ lo ngại số tiền mình cho vay sẽ bị mất trắng, từ phía người vay tiền có thái độ tiêu cực trong việc giải quyết khoản vay…có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dùng vũ lực trong khi thu hồi nợ.

Quan điểm cá nhân, tôi thấy nên sửa đổi các quy định về tội xâm phạm quyền sở hữu nói chung và tội cướp tài sản nói riêng về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên được bổ sung, hoặc sẽ có một quy định hay văn bản hướng dẫn riêng đối với việc xử lý hành vi đòi nợ hay đòi nợ bằng hình thức thuê người khác thực hiện. Cần phải xem xét, xác minh rõ nguyên nhân dẫn đến hành vi dùng vũ lực hay việc thuê người khác khi đòi nợ để có thể xác định trách nhiệm hình sự một cách hợp lí, tránh việc đánh đồng mọi hành vi không cùng bản chất, đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người bị truy cứu trách nhiệm.

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer