Vừa qua tôi thấy trên facebook có 1 vụ việc đang thu hút quan tâm của rất nhiều người về việc chạy án. Trên Facebook của bà Hoàng Thanh Bình (giám đốc một doanh nghiệp) tố cáo một thẩm phán TAND Nam Từ Liêm và một luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội đã yêu cầu bà phải chi 1 tỷ đồng để thắng trong phiên toà sơ thẩm. Sau đó bà Bình tiếp tục được gợi ý đưa 3 tỷ đồng để được xử thắng cuộc tại phiên toà phúc thẩm. Tuy nhiên, bà Bình không xoay được tiền và quyết định không thực hiện theo gợi ý này nên bà thua kiện phúc thẩm. Bên cạnh đó, Facebook này còn dẫn cả clip và khẳng định còn lưu giữ nhiều thông tin khác chứng minh cho những nhận định của mình là đúng.
Luật sư cho hỏi, những thông tin tố cáo đăng lên facebook như trên sẽ được xử lý như nào? Nếu thông tin đúng thì có trách nhiệm hình sự trong vụ việc nêu trên hay không?

Về thắc mắc của anh, Tổ Hình sự - Công ty Luật TNHH Sao Việt có câu trả lời như sau:

1. Việc xử lý thông tin được đăng tải lên facebook

 Dựa trên thông tin bạn cung cấp và tìm hiểu trên các trang báo điện tử chúng tôi thấy bà Bình mới chỉ đăng tải thông tin lên facebook chứ chưa gửi đơn thư, hoặc trực tiếp tố giác đến cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân Tp. Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao đã biết được những thông tin này và đã có văn bản đề nghị Công an Tp. Hà Nội vào cuộc điều tra làm rõ có hay không việc thẩm phán TAND quận Nam Từ Liêm bắt tay với luật sư để "chạy án" như thông tin được đăng trên facebook của bà Bình.

Văn bản đề nghị nêu trên của Tòa án nhân dân tp. Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao thuộc trường hợp tin báo về tội phạm của cơ quan, tổ chức theo Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS) nên sẽ được Công an Tp. Hà Nội xử lý theo quy định về nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại Điều 103 BLTTHS.

2. Trách nhiệm pháp lý có thể phát sinh từ vụ việc

Trường hợp những thông tin mà giám đốc Bình đăng lên facebook là đúng sự thật thì những người liên quan có thể sẽ phải chịu những trách nhiệm pháp lý sau:

Đối với giám đốc Bình: 

Có hành vi đưa tiền cho thẩm phán để được thắng trong phiên tòa sơ thẩm. Hành vi này đã cấu thành tội “Đưa hối lộ”. Với số tiền đưa hối lộ là 1 tỷ đồng, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 364 Bộ luật hình sự 2015 – BLHS 2015 mới mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (Hiện nay BLHS 2015 bị lùi hiệu lực thi hành nhưng điều khoản này là có lợi hơn cho người phạm tội so với BLHS 1999 nên được áp dụng). Tuy nhiên, nếu giám đốc Bình bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Hoặc nếu giám đốc Bình tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ tiền đã dùng để đưa hối lộ.

Đối với Thẩm phán (tạm gọi tên là P) của TAND quận Nam Từ Liêm:

Hành vi yêu cầu giám đốc Bình chi 1 tỷ đồng và nhận số tiền này có thể bị truy cứu về tội “Nhận hối lộ”  theo khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự 1999 – BLHS 1999 với mức phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (BLHS 2015 quy định hình phạt tương đương nên vẫn áp dụng quy định của BLHS 1999). Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (khoản 5 Điều 354 BLHS 2015 vì BLHS 2015 quy định có lợi hơn cho người phạm tội).

Đối với vị luật sư  thuộc Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội:

Nếu đúng là luật sư đã cùng với thẩm phán P yêu cầu bà Bình chi 1 tỷ để được xử thắng phiên tòa sơ thẩm thì hành vi này mang tính chất đồng phạm (theo Điều 20 BLHS 1999), theo đó luật sư cũng sẽ cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Nhận hối lộ” giống như thẩm phán P nhưng với vai trò là người giúp sức.

Trường hợp những thông tin mà vị giám đốc Bình đăng lên facebook là không đúng sự thật:

Trường hợp này, hành vi của giám đốc Bình mang tính chất vu khống khi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự của người khác.Tùy theo tính chất, múc độ của sự việc hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự.

Trường hợp bị xử phạt hành chính: 

Hành vi của giám đốc Bình sẽ bị xử phạt số tiền từ 20.000.000đ đến 30.000.000đ về hành vi “Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân theo điểm a, khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện).

Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

Giám đốc Bình sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống”, thậm chí còn thuộc trường hợp tăng nặng “đối với người đang thi hành công vụ” theo điểm đ khoản 2 Điều 156 BLHS 2015, hình phạt từ 01 đến 03 năm tù. (Hiện nay BLHS 2015 bị lùi hiệu lực thi hành nhưng điều khoản này là có lợi hơn cho người phạm tội so với BLHS 1999 nên được áp dụng)

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896

E-mail: saovietlaw@vnn.vn


 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer