Thời gian qua, vấn nạn giải quyết tranh chấp dân sự theo kiểu "giang hồ" như thuê xã hội đen, hành hung, đe dọa... diễn ra khá phổ biến khiến dư luận lo ngại, bức xúc. Trên thực tế, có một "chiêu thức" mới xuất hiện đó là việc "mượn tay" cơ quan công an như "công cụ" để giải quyết các tranh chấp dân sự. "Sáng kiến" này tỏ ra an toàn và rất hiệu quả nhưng lại trái pháp luật nghiêm trọng, khiến người dân mất niềm tin vào cơ quan thực thi công lý.

Công an tạm giữ tài sản theo đề nghị của một bên đương sự?

Trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ việc bị điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng lại kết thúc bằng việc cơ quan tiến hành tố tụng phải đứng ra công khai xin lỗi người dân. Có thể kể đến như việc ngày 17/4/2013, VKSND tỉnh Quảng Bình đã phải công khai xin lỗi về việc ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam oan sai đối với bà Trần Thị Tiểu Bình – Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Vàng bạc Ý Nhật, chủ tiệm vàng IYK ở tiểu khu 2, phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới. Lời xin lỗi được đưa ra khi bà Bình đã bị tạm giam tới 48 ngày. Và vụ việc sau đây cũng là một minh chứng rõ ràng cho việc hình sự hóa một giao dịch dân sự khiến người dân hoang mang, dư luận bất bình.
 
Trong đơn thư gửi tới các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Thành Đô (Nông Trang, Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: Trong quá trình hợp tác kinh doanh giữa ông và Cty Cổ phần Nam Tiến (Cty Nam Tiến) có thỏa thuận về việc ông Đô tự mình phải thực hiện các công việc, giao dịch và tự chịu trách nhiệm với các công việc và giao dịch đó (mượn tư cách pháp nhân); Cty Nam Tiến chỉ đứng tên về mặt thủ tục để thực hiện các công việc nêu trên và không có quyền cũng như phải chịu trách nhiệm đối với các giao dịch mà ông thực hiện (thỏa thuận này sau đó được cụ thể hóa tại Hợp đồng hợp tác số 05/HĐHT ngày 26/02/2010). Xuất phát từ thỏa thuận này, ngày 16/01/2009, ông có mua một chiếc xe ôtô, nhưng ông đã đăng ký chiếc xe đứng tên Cty Cổ phần Nam Tiến (ông Đô là cổ đông kiêm Phó giám đốc). Sau đó, ông Đô tiếp tục cho Cty Nam Tiến mượn giấy tờ của chiếc xe thế chấp tại ngân hàng TMCP Quân đội để vay vốn.
 
Tháng 7/2013, Cty Nam Tiến bất ngờ gửi đơn tố cáo ông Đô lạm dụng chiếm đoạt chiếc xe ôtô và một số khoản công nợ khác của Cty. Đồng thời, phía ngân hàng cũng có đơn đề nghị CQĐT giúp đỡ thu hồi chiếc xe nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản thế chấp mà ngân hàng đang quản lý.
 
Ngày 12/01/2014, phòng CSĐT tội phạm kinh tế, chức vụ (PC46) Công an tỉnh Phú Thọ đã tiến hành tạm giữ chiếc xe ô tô nói trên.
 
Bức xúc, ông Đô đã liên tục gửi đơn đề nghị CQĐT trả lại chiếc xe cho ông bởi đây là tài sản của ông và việc tranh chấp giữa ông với Cty Nam Tiến chỉ đơn thuần là tranh chấp dân sự. Nhưng sau đó, ông Đô nhận được trả lời của PC46 khẳng định qua quá trình xác minh cho thấy: Chiếc xe đang thuộc quyền sở hữu của Cty Nam Tiến và do ngân hàng TMCP Quân đội quản lý, đồng thời việc tạm giữ xe là đúng quy định của pháp luật.
Vừa qua, CQĐT đã giao chiếc xe trên cho ngân hàng quân đội và ngân hàng bàn giao lại chiếc xe cho Cty Nam Tiến.

Yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ hay vì lý do khác?

Để tìm hiểu sâu hơn tính pháp lý của sự việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Quang Anh – Cty TNHH Luật Sao Việt, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội. Luật sư Quang Anh cho biết:

“Theo các Điều 34, 35, 81, 82, 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì cơ quan điều tra chỉ được tạm giữ đồ vật, tài liệu nếu những đồ vật, tài liệu đó có liên quan trực tiếp đến vụ án và trong khi thực hiện việc điều tra vụ án hình sự hoặc trong những trường hợp đặc biệt như bắt người phạm tội quả tang, hay cần tịch thu ngay tài sản phạm pháp. Vụ việc của ông Nguyễn Thành Đô không thuộc trường hợp nào kể trên mà là việc CQĐT đang giải quyết tố giác, tin báo tội phạm do Cty Nam Tiến cung cấp – theo Bộ luật Tố tụng Hình sự thì trong giai đoạn này, CQĐT không có quyền tạm giữ. Còn việc cơ quan CSĐT căn cứ vào đề nghị của ngân hàng để tạm giữ chiếc xe là đang giải quyết vụ việc vượt quá thẩm quyền của mình. Bởi Khoản 5 Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ- CP về giao dịch bảo đảm quy định trong trường hợp người xử lý tài sản bảo đảm (ngân hàng) khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm thì có thể yêu cầu cơ quan công an áp dụng các biện pháp để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm chứ cơ quan công an không được trực tiếp tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm như cơ quan CSĐT tỉnh Phú Thọ đã làm.

Tranh chấp giữa ông Đô và Cty Nam Tiến thực chất là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản đơn thuần. Việc giải quyết tranh chấp nếu các bên không tự thỏa thuận được thì một bên có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền theo thủ tục tố tụng dân sự chứ cơ quan công an không được giải quyết tranh chấp này. Vì vậy, Quyết định tạm giữ chiếc xe cần phải được hủy bỏ theo điểm d khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng Hình sự (về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT), khi đó sự việc cần phải được khôi phục lại hiện trạng ban đầu tức là chiếc xe ôtô phải được trả lại ngay cho ông Đô theo đúng quy định tại Điều 50 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.”
 
Theo phân tích của luật sư Nguyễn Quang Anh, có thể thấy việc tạm giữ xe của PC46 Công an tỉnh Phú Thọ là can thiệp thô bạo vào các quan hệ dân sự và vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Trong trường hợp này, thật khó khi cho rằng PC 46 công an tỉnh Phú Thọ đã “non kém về nghiệp vụ” bởi hơn ai hết, cơ quan công an buộc phải biết thẩm quyền của mình đến đâu. Mặt khác, sau khi Cty Nam Tiến có đơn tố cáo, ông Đô (người bị tố cáo) đã rất nhiều lần gửi đơn đến PC46 và những cơ quan có liên quan để trình bày, đưa ra các tài liệu chứng minh, những cơ sở pháp lý cho thấy chiếc xe ô tô là do ông bỏ tiền ra mua và quyết định tạm giữ xe là trái pháp luật, nhưng CQĐT vẫn tiếp tục tạm giữ tài sản và tiếp tục can thiệp trực tiếp vào sự việc tranh chấp này. Điều này đang khiến dư luận đặt câu hỏi: Đằng sau việc PC 46 công an tỉnh Phú Thọ can thiệp vào tranh chấp dân sự giữa ông Đô và Cty Nam Tiến là gì?. Nếu bất cứ giao dịch dân sự nào cũng “bị can thiệp” trái luật như vụ việc trên thì người dân biết tin vào đâu khi mà cơ quan thực thi pháp luật lại làm việc trái luật?
 
Có lẽ, đã đến lúc lãnh đạo công an tỉnh Phú Thọ cần vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc nêu trên, sớm trả lời công dân theo đúng quy định của Luật Khiếu nại tố cáo.

Thực hiện: Đào Bình

- Theo Nhà báo & Công luận -

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer