Trường hợp cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng một phần cổ phần của mình cho một người ngoài công ty mà chỉ được ½ (50%) sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông thì có được quyền chuyển nhượng nữa không (không tính cổ đông có ý định chuyển nhượng)?

Thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh khi chuyển nhượng CP

Trả lời:

Với câu hỏi của bạn, Luật Sao Việt có câu trả lời như sau :

Căn cứ khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014 thì trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp, cổ đông sáng lập bị hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần cho người khác không phải cổ đông sáng lập của công ty. Theo như thông tin bạn cung cấp chưa đề cập đến thời điểm chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập, như vậy có hai trường hợp sau có thể xảy ra:

1. Thời điểm chuyển nhượng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nhận giấy Chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp.

Trong trường hợp này, căn cứ theo khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho người khác không phải là cổ đông sáng lập nếu được chấp thuận từ Đại hội đồng cổ đông, Cổ đông có dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền được biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.

Nếu Điều lệ công ty bạn không có quy định khác, trong trường hợp này, việc Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định chấp thuận cho cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần cho người khác bằng biểu quyết thông qua cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản.

Trường hợp thông qua nghị quyết bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, căn cứ khoản 4 Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014, tỉ lệ để nghị quyết được thông qua ít nhất là 51% tổng số phiếu biểu quyết tán thành (tỉ lệ cụ thể phụ thuộc vào Điều lệ công ty nhưng không thấp hơn 51%). Như vậy, nếu chỉ có ½ sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông (tương đương tỉ lệ 50%)  bằng văn bản thì cổ đông sáng lập trong trường hợp này không được phép chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.

Trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức biểu quyết tại cuộc họp, căn cứ khoản 2 Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014 thì chuyển nhượng cổ phần được thông qua nếu số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp đồng ý (tỉ lệ cụ thể được quy định trong Điều lệ công ty không thấp hơn 51%). Theo đó, ½ sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông như bạn cung cấp phải đại diện cho trên 51% số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp thì cổ đông sáng lập mới được chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần của mình cho người ngoài công ty.

Lưu ý: Trường hợp tiến hành bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp cần đáp ứng được quy định về điều kiện để tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông tại Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2014.

2. Thời điểm chuyển nhượng cổ phần ngoài 3 năm kể từ được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp.

Căn cứ khoản 4 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014 thì các hạn chế với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp.

Theo khoản 1 Điều 126 của Luật Doanh nghiệp 2014 thì cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 119 Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn về chế chuyển nhượng cổ phần.

Như vậy, khi Điều lệ công ty bạn không có quy định khác về hạn chế chuyển nhượng cổ phần, qua thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty nhận được Giấy chứng nhận đăng ký, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần cho người khác mà không cần thông qua sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua 

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 

hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer