Câu hỏi : Hiện nay, tôi muốn làm đại lý bảo hiểm cho công ty kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Theo quy định của pháp luật thì tôi có được làm đại lý bảo hiểm dưới tư cách cá nhân không, tôi cần đáp ứng các điều kiện gì ?

Trả lời :

1. Cá nhân có được thực hiện hoạt động kinh doanh đại lý bảo hiểm không ?

Theo quy định tại Điều 84 - Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 sửa đổi bổ sung 2010 quy định đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Căn cứ vào quy định trên, pháp luật cho phép cá nhân được làm đại lý bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 83 – Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật kinh doanh bảo hiểm (Nghị định 73/2016/NĐ-CP) nêu rõ cá nhân không được đồng thời làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm mà mình đang làm đại lý.

2. Cá nhân thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm có thể được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền tiến hành các hoạt động sau đây:

+ Giới thiệu, chào bán bảo hiểm.

+ Thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm.

+ Thu phí bảo hiểm.

+ Thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

+ Thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

>>> Tham khảo dịch vụ : Tư vấn hợp đồng kinh tế thương mại

3. Đại lý bảo hiểm không được thực hiện các hành vi sau :

+ Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm;

+ Ngăn cản bên mua bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm;

+ Tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác;

+ Xúi giục khách hàng hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực dưới mọi hình thức.

- Trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết; đại lý bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm.

4. Điều kiện để cá nhân được làm đại lý bảo hiểm.

Theo quy định Khoản 1, Điều 86 – Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung 2010 quy định cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm phải có đủ các điều kiện sau đây:

-  Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;

- Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Có Chứng chỉ đại lý bảo hiểm do cơ sở đào tạo được Bộ Tài chính chấp thuận cấp.

Bộ Tài chính quy định về chương trình, nội dung, hình thức đào tạo, việc cấp Chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

Bên cạnh đó, tại Khoản 3, Điều 83 - Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định đối với trường hợp cá nhân đã được cấp chứng chỉ đại lý nhưng không hoạt động đại lý trong thời hạn 03 năm liên tục phải thực hiện thi lấy chứng chỉ đại lý mới trước khi hoạt động đại lý.

Cá nhân phải ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm nếu như muốn thực hiện hoạt động đại lý. Trường hợp cá nhân không ký hợp đồng làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm hoặc không làm việc trong tổ chức là đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm được xem là không hoạt động đại lý.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Mọi vướng mắc xin vui lòng liên hệ với Chúng tôi theo tổng đài 1900 6243 để được tư vấn và hỗ trợ.

Trân trọng./.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer