Thùy Trang: Tôi hiện đang thuê trọ cùng Hương – một người em họ của tôi. Mấy tuần trước, Hương có mượn laptop của tôi để xem phim. Tuy nhiên, Hương không giữ ý mà lại ngang nhiên vào đọc và chụp lại tin nhắn chat trong Zalo của tôi, sau đó gửi cho bạn bè, đem nội dung đoạn chat ra để bình phẩm. Tôi đã góp ý với Hương nhưng những lần sau, Hương vẫn tiếp tục làm vậy. Nếu vậy, thì tôi có quyền khởi kiện Hương về tội xâm phạm bí mật thư tín, diện thoại, điện tín của người khác không?

Ảnh minh họa:Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn , chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 21 Hiến pháp 2013: Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của người khác vẫn xảy ra khá phổ biến.

Tùy theo tính chất, mức độ, những tổn thất và hậu quả xảy ra, người xâm phạm thư tín, diện thoại, điện tín của người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, nếu hành vi đọc trộm thư tín gây ra những tổn thất về tinh thần và vật chất cho người khác thì người đọc trộm phải có trách nhiệm dân sự : bồi thường thiệt hại cho người bị đọc trộm.

Về trách nhiệm hành chính

Theo điểm a Khoản 2 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ - CP , người thực hiện hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì có thể bị phạt tiền từ 01 -  1,5 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự:

Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác được quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015:

Nếu trước đó người vi phạm đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi xâm phạm bí mật riêng tư mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội trong trường hợp: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội nhiều lần; Gây hậu quả nghiêm trọng; thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm theo quy định của pháp luật.”

Về trách nhiệm dân sự:

Nếu hành vi xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại, điện tín gây ra tổn thất về vật chất và tinh thần cho người khác thì người đọc trộm phải bồi thường thiệt hại do quyền nhân thân bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự 2015:

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Như vậy, với trường hợp của bạn, bạn nên trực tiếp trao đổi lại quan điểm cũng như mong muốn của bản thân với chị Hương về quyền được bảo đảm thư tín, điện thoại, điện tín của mình. Nếu chị Hương vẫn tiếp tục làm vậy, bạn có thể nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp hoặc khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục Tố tụng dân sự, yêu cầu chị Hương bồi thường thiệt hại những tổn thất về vật chất , tinh thần mà chị Hương đã gây ra. Trong trường hợp này, bạn không thể kiện chị Hương về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác theo Điều 159 BLHS 2015. Bởi lẽ trước đó chị Hương chưa bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi xâm phạm bí mật riêng tư người khác.

Trên đây là bài viết của Luật Sao Việt đối với vấn đề trên. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

 

 

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer