Luật sư cho tôi hỏi, gần đây tôi thấy nhiều trường hợp bị trộm vào nhà, đánh nó xong bị đi tù. Tôi thấy vô lý quá. Nó vào trộm đồ nhà mình, đánh nó thì phạm tội đánh người, mà trói lại thì bị buộc tội giam, giữ người trái phép. Vậy chẳng lẽ có trộm vào tôi chỉ có thể nhẹ nhàng và bảo nó đi đi hay sao? Mong Luật sư giải thích cho tôi và  tư vấn giúp tôi trong trường hợp bắt quả tang được trộm tôi phải hành xử như nào cho đúng pháp luật?

Trả lời:

 
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi. Từ những thông tin trên, Luật Sao Việt xin có ý kiến tư vấn như sau:
Trách nhiệm khi đánh, trói, nhốt kẻ trộm.
Hành vi của những tên trộm là trái pháp luật tuy nhiên việc hành hung họ là hành vi vi phạm pháp luật và nếu hậu quả nghiêm trọng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại Điều 20 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ. Điều 33 Bộ luật dân sự cũng quy định: Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Như vậy, dù là người đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cũng đều được Pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe một cách công bằng, bình đẳng. Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật của những người đó là trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như thẩm quyền quyền của cơ quan chức năng, không phải quyền của mọi công dân.
 
 
 
 
Hiểu rằng hành vi trộm cắp gây bức xúc, nên bắt được trộm rồi đánh là một phản ứng rất dễ hiểu, tuy nhiên đó là hành vi phạm pháp luật thậm chí nếu hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Đối với hành vi bắt nhốt kẻ trộm: 
Trường hợp bắt được người trộm cắp nhưng không áp giải ngay tới chính quyền địa phương mà trói, nhốt thì dù không có hành vi đánh đập nhưng cũng có thể cấu thành Tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật  theo quy định của Điều 123 Bộ luật hình sự mà mức hình phạt cao nhất lên tới 10 năm tù.


Đối với hành vi gây tổn hại tới sức khỏe, tính mạng của kẻ trộm:
Tùy thuộc hành vi khách quan và hậu quả xảy ra để xem xét trách nhiệm của người có hành vi đánh đập xâm phạm sức khỏe thậm chí tính mạng của kẻ trộm.
Trường hợp trong lúc bảo vệ tài sản, hoặc khi phát hiện bị kẻ trộm tấn công nên chống trả dẫn đến hậu quả chết người thì tùy thuộc tính chất, mức độ cần thiết của hành vi chống trả đó: nếu sự phòng vệ đó dừng lại ở mức “cần thiết” thì đó là phòng vệ chính đáng và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu sự phòng vệ đó vượt quá mức “cần thiết” thì bị truy cứu về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 96 BLHS phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm, mức hình phạt cao nhất là 5 năm.
Trường hợp cố ý tước đoạt tính mạng của người ăn trộm thì bị bị truy cứu trách nhiệm về Tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ Luật hình sự  với mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình.
Trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của kẻ trộm thì tùy vào tỷ lệ thương tật và các yếu tố khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 104 Bộ luật hình sự về  "tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác"  với mức phạt tù thấp nhất là 06 tháng và cao nhất là tù trung thân.
Nếu chưa đủ để cấu thành tội phạm thì việc hành hung kẻ trộm cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại điểm e, khoản 3 Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP  quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Vậy cần làm gì khi bắt được kẻ trộm?
Điều 82 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất.”. Trong trường hợp tên trộm có mang theo hung khí, thì: người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.

 
Như vậy, trường hợp bắt quả tang được người ăn trộm thì chủ nhà hoặc người khác phát hiện có quyền tước hung khí, vũ khí… rồi dẫn giải đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình bắt giữ người phạm tội chắc chắn sẽ gặp phải sự phản kháng của người phạm tội, vì vậy cần hết sức lưu ý.
 
Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:
Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896 
E-mail: saovietlaw@vnn.vn
 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer