Thưa luật sư, trong thời gian gần đây báo chí có đưa tin trường hợp cơ quan công an đã kiểm tra và thu giữ lô hàng 10.000 bánh trung thu nhập lậu tại một cửa hàng ở Hoài Đức, Hà Nội. Mong Luật sư cho biết những người mua, bán loại mặt hàng này có thể bị xử lý như thế nào?

 

Hình ảnh minh họa (Nguồn: internet)

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi, Luật sư Sao Việt xin có quan điểm tư vấn như sau:

Thứ nhất, về hành vi mua, bán hàng 100.000 bánh trung thu: Theo thông tin báo chí đưa tin, 100.000 bánh trung thu bị cơ quan Công an thu giữ đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP thì số hàng hóa trên là “hàng hóa nhập lậu”. Do đó, cần xem xét trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức sau:

- Cá nhân, tổ chức kinh doanh (bao gồm cả người trực tiếp nhập lậu hàng hóa và người mua lại để kinh doanh);

- Người có hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu; 

- Chủ kho hàng, bến, bãi, nhà ở có hành vi cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu; 

- Người có hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu.

Thứ hai, về mức xử phạt hành chính đối với những cá nhân, tổ chức trên. Căn cứ Điều 17 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì mức xử phạt hành chính được quy định như sau:

- Đối với các cá nhân, tổ chức nêu trên có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức thấp nhất là 200.000 đồng và cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa nhập lậu và được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 185/2013NĐ-CP.

- Ngoài ra, vì người vi phạm là người trực tiếp nhập hàng hóa và hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, do đó căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 17 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức có vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi mức phạt được quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Thứ ba, nếu xác minh cho thấy có dấu hiệu sau đây thì các cá nhân/tổ chức nhập lậu bánh trung thu này không xử lý hành chính mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu được quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể:

Trường hợp 1: Cá nhân phạm tội

Theo khoản 1 Điều 188 BLHS 215 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì: Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

Tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của hành vi, người phạm tội có thể bị xử phạt mức cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 5 Điều 188 Bộ luật này.

Bên cạnh đó, những người không mua, bán hàng nhập lậu nhưng có tham gia vào hành vi phạm tội với lỗi cố ý (như người vận chuyển, chủ kho chứa..) vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này với vai trò là đồng phạm.

Trường hợp 2:  Pháp nhân thương mại phạm tội

Theo khoản 6 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì: Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi buôn lậu (như quy định đối với trường hợp của cá nhân) hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng. Tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của vi phạm, mức phạt cao nhất có thể lên tới 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Trường hợp phạm tội thuộc Điều 79 của BLHS 2015 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Trong cả 2 trường hợp trên, Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ dựa vào chứng cứ thu thập được và kết quả thẩm định giá xác định giá trị của số hàng nhập lậu để xác định căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như làm căn cứ để định khung hình phạt phù hợp.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896 

E-mail: saovietlaw@vnn.vn

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer