Mai Hương: Chào luật sư, tôi là mẹ bỉm sữa bán hàng online qua mạng xã hội cũng như bán hàng qua một số trang thương mại điện tử như shopee, lazada,...Vừa rồi có một đơn hàng trị giá 2 triệu giao từ Hà Nội đến Kon Tum, đa số là quần áo order, song khách hàng không nhận hàng dù đã nhiều lần gọi điện thoại, tôi có tìm cách liên lạc nhưng họ còn chặn cả facebook cũng như số điện thoại của tôi. Luật sư xin hãy tư vấn cho tôi biết tôi nên làm gì, những người “boom hàng” như vậy có vi phạm pháp luật không? Xin cảm ơn!

                                                            Nguồn ảnh: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

1. “Boom hàng” có vi phạm pháp luật không?

Boom hàng, bùng hàng là cách gọi để chỉ trường hợp khách đặt hàng nhưng khi giao hàng đến thì tìm đủ mọi lí do để không nhận hàng. Thậm chí là “bốc hơi”, chặn số điện thoại, tài khoản để shipper và người bán hàng không thể liên lạc được.

Dưới góc độ pháp luật, việc đặt hàng qua mạng đã thiết lập giữa người bán và khách hàng một giao dịch dân sự, mà ở đây chính là hợp đồng mua bán, và hai bên sẽ có các quyền và nghĩa vụ riêng theo quy định của bộ luật dân sự 2015. Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Điều 119 BLDS 2015 cũng quy định: Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Như vậy, việc đặt hàng qua mạng bằng tin nhắn, mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử chính là một hình thức hợp đồng. Khi đã xác nhận đơn hàng, thì người bán có nghĩa vụ giao đúng hàng khách đã đặt còn khách hàng có nghĩa vụ nhận hàng và trả tiền theo đúng thời gian, địa điểm cả hai bên đã thỏa thuận. Điều 398 BLDS còn quy định về các nội dung của hợp đồng như sau:

1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.

2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp

Nôi dung của hợp đồng gồm các thông tin cần thiết đã được khách hàng cung cấp cho người bán. Việc khách hàng không nhận hàng chính là hành vi vi hạm trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện trong hợp đồng. Và đây là hành vi vi phạm pháp luật, nối cách khách, “boom hàng” là phạm pháp!

2. Có thể khởi kiện người mua hàng vì “boom hàng” hay không?

Theo quy định của pháp luật, vi phạm hợp đồng gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Cụ thể tại Điều 360 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ như sau:

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Thiệt hại đưuọc bồi thường do vi phạm hợp đồng được quy định tại điều 419 Bộ luật này, cụ thể:

2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.

Như vậy, trường hợp bạn muốn bảo vệ quyền và lợi ích của mình, có thể dựa vào những căn cứ nêu trên để đòi bồi thường hoặc làm đơn khởi kiện để Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp giá trị đơn hàng nhỏ thì đây không phải là phương án hợp lí vì nó tốn thời gian và tiền bạc.

Hiện nay, xu hướng mua sắm online ngày càng gia tăng do khả năng tiện ích mà nó đem lại, đó là việc mà khách hàng ngồi ở nhà cũng có thể mua hàng được, chưa kể còn được tặng rất nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích cũng tồn tại khá nhiều bất cập khi mà nhiều người khách hàng sử dụng nick ảo để nhắn tin mua hàng và coi việc “boom hàng”, bùng hàng là niềm vui. Mặt khác, nhiều người bán lợi dụng việc khách hàng không thể xem trực tiếp sản phẩm nên xuất hiện tình trạng người bán hàng bán hàng không đúng chuẩn,…và nhiều những tình huống khác nữa.

Theo quy định pháp luật hiện hành, vẫn chưa có chế tài xử phạt đối với những hành vi boom hàng nói trên, thực tế việc khởi kiện khá phức tạp khi mà khách hàng dùng nhiều chiêu trò tinh vi để bất hợp tác. Do vậy, với những đơn hàng có giá trị lớn, tốt nhất nên có thêm thỏa thuận về việc đặt cọc làm biện pháp đảm bảo. Người bán hay người mua cũng nên hết sức thận trọng để lựa chọn phương án có lợi cho mình.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer