Câu hỏi :
Em là 1 người bán hàng qua mạng, 1 tháng trước em có bán hàng cho 1 bạn hàng đó là giày với giá trị là 1,2 triệu đồng. Chuyện bán hàng rất suôn sẻ cho đến lúc e bảo giá ship đồ nặng với xa như vậy thì sẽ tốn nhiều tiền thì bạn đó kêu đắt nên em bảo bạn là bạn chuyển tiền cho e và đồng thời em gửi hàng cho bạn để đỡ tốn tiền nhờ bưu điện thu hộ và bạn đã đồng ý. Nhưng bạn cũng chưa gửi tiền luôn, bạn lấy tất cả các lí do để trì hoãn việc chuyển tiền rồi mấy hôm sau em giục quá bạn mới quyết định gửi em 1triệu trước bằng thẻ đt và e đã nhận. Bạn bảo 200.000vnđ còn lại để chiều bạn gửi nhưng không thấy gửi, đến ngày hôm sau em bảo bạn là nếu 2 giờ chiều mà e không nhận đc tiền thì e sẽ thu hồi lại hàng và không hoàn tiền cho bạn ấy. Bạn ấy đó đã đồng ý đến 2 lần và rồi chiều bạn vẫn không gửi cho em, đến 4 giờ chiều vẫn chưa gửi cho em nên đương nhiên bạn sẽ k có hàng như thỏa thuận , bạn ấy không có hàng bạn chửi e, lăng mạ e, trù dập e. Lúc đó em bực quá đã chặn luôn facebook của bạn, đến ngày hôm qua bạn nhắn tin cho em bằng điện thoại và chửi rủa e và đe dọa báo cảnh sát nếu không trả tiền cho bạn. Sau một thời gian cãi nhau vì có công an vào can thiệp nên em sẽ đền cho bạn ấy 500.000vnđ vì 1 triệu thẻ đi kia e mới dùng có 500.000vnđ và 500.000vnđ còn lại bạn cứ cãi là bạn đó không dùng nhưng em không dùng đc nữa.
Bây giờ em phải giải quyết như thế nào?
Cẩn thận với giao dịch bằng thẻ điện thọai
Trả lời: 
Chúng tôi có thể tóm tắt sự việc của bạn như sau:
Bạn và khách hàng có giao dịch mua bán hàng qua mạng. Tổng giá trị hàng hóa là 1,2 triệu đồng. Khách hàng đã thanh toán cho bạn 1 triệu đồng (quy đổi thành 2 thẻ điện thoại, mỗi thẻ 500 nghìn đồng và bạn đã nhận được 2 mã thẻ này).
Còn 200 nghìn đồng thì hai bạn thỏa thuận nếu không thanh toán thì bạn sẽ không giao hàng và cũng không trả lại tiền cho khách. Thời hạn thanh toán là vào lúc 4h chiều.
Do bạn đó không thanh toán nốt 200 nghìn đồng nên bạn đã không bán hàng cho khách và bạn có đề nghị là sẽ trả lại cho khách 500 nghìn đồng (500 nghìn đồng còn lại do bạn chưa nhận được – do mã thẻ không dùng được nên bạn không trả).
Như vậy: 
Bạn và người mua hàng đã có trao đổi về việc mua bán, hình thức, giá cả và phương thức thanh toán hàng hóa cho nhau thông qua thông tin dữ liệu điện tử. Do đó, theo quy định tại điều 33 Luật  giao dịch điện tử 2005 thì giao dịch của bạn được coi là hợp đồng điện tử - là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu (Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử- khoản 12 Điều 4 Luật giao dịch điện tử).
Giao dịch điện tử này có giá trị pháp lý và khi  giao kết, thực hiện cũng phải tuân thủ các quy định về hợp đồng theo quy định của pháp luật.

-  Về việc thỏa thuận nếu bên mua không thanh toán đủ tiền 200.000đ thì bên bán không giao hàng và không trả lại cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán.

Thỏa thuận này được coi là thỏa thuận về điều kiện để hủy hợp đồng (theo quy định tại khoản 1 Điều 425 BLDS) và phạt hợp đồng do lỗi của bên mua dẫn đến điều kiện hủy hợp đồng.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 425 thì khi hợp đồng bị hủy bỏ, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì trả bằng tiền. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường thiệt hại.
Do Hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết nên các thỏa thuận khác cũng sẽ không có hiệu lực. Việc thỏa thuận phạt hợp đồng và số tiền phạt đúng bằng số tiền bên mua đã thanh toán sẽ không phát sinh hiệu lực. Do đó,  bạn được thu lại hàng và phải hoàn trả lại cho bên mua số tiền hàng bạn đã nhận; bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do bên mua có lỗi (không thanh toán) dẫn đến hợp đồng bị hủy bỏ.

- Bạn phải hoàn trả 1.000.000 đồng hay 500.000 đồng:

Theo như bạn trình bày thì bạn đã nhận thẻ điện thoại của khách hàng có giá trị là 1.000.000 đồng nhưng bạn đã dùng 500.000đ, còn (các) thẻ có giá trị 500.000 bạn không sử dụng được thì được coi là bạn chưa nhận. Tuy nhiên, để khẳng định việc (các) thẻ có giá trị 500.000 bạn không sử dụng được thì bạn phải chứng minh (từ thời điểm bạn nhận (các) thẻ này thì nó đã bị sử dụng rồi hoặc sau khi nhận thẻ thì bên mua đã sử dụng) . Đồng thời, người mua cũng phải chứng minh thời điểm người mua chuyển cho bạn (các) thẻ này thì vẫn sử dụng được
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong mọi giao dịch, khi phát sinh tranh chấp thì luôn luôn khuyến khích các bên hoàn giải, thương lượng. Trong trường hợp không thỏa thuận được, các bên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer