Nội dung câu hỏi của bạn đọc:

Gia đình tôi có vay 90 triệu, bên cho vay lấy lãi suất là 200 nghìn/ 1 ngày và không cho trả góp tiền gốc, chỉ đồng ý trả một lần 90 triệu, như vậy có gọi là cho vay nặng lãi không? có thể khởi kiện lên chính quyền không? Nếu không phải cho vay nặng lãi thì tôi phải làm thế nào?

Phòng Dân sự - Công ty Luật TNHH Sao Việt trả lời câu hỏi của bạn đọc

1. Cho vay lãi suất như thế nào là cho vay nặng lãi? 

Điều 163 Bộ Luật Hình sự quy định về Tội cho vay nặng lãi như sau:

"1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm…"

Như vậy, một trong những yếu tố để có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên.

  • Theo quy định, mức lãi suất cao nhất mà pháp luật cho phép là không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng (khoản 1 Điều 476 Bộ Luật Dân sự);
  • Mức lãi suất cơ bản hiện nay do NHNN quy định là 9%/năm (Điều 1 Quyết định số 2868/QĐ-NHNN). Do đó, mức lãi suất cho vay mà các bên được phép thỏa thuận không được vượt quá 13.5%/năm. Nếu cao hơn 10 lần so với mức này (tức cao hơn 135%) thì người cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi.

Đối với trường hợp của bạn, vay 90 triệu đồng, mỗi ngày 200.000 tiền lãi/ ngày thì mức lãi suất cho vay đang là 81,1%/năm. 

Với mức lãi suất này đã vượt quá mức lãi suất cao nhất mà pháp luật dân sự cho phép (13.5%) nhưng lại chưa đến mức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 163 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, nếu việc cho vay đó có cầm cố tài sản thì người cho vay có thể bị xử phạt vi phạm hành chính: phạt tiền từ 5.000.000 đồng tới 15.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình. 

2. Bạn có thể làm gì khi người vay không có dấu hiệu cho vay nặng lãi?

Bên cho vay mặc dù không có dấu hiệu của “Tội cho vay nặng lãi” theo quy định của BLHS, tuy nhiên mức lãi suất mà bạn vay vượt quá mức lãi suất pháp luật cho phép nên phần lãi suất vượt quá sẽ bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Vì vậy, bạn có thể thỏa thuận với bên cho vay để bảo đảm mức lãi suất được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp bên cho vay không hợp tác, bạn có thể làm thủ tục khởi kiện dân sự về hợp đồng vay tài sản đến Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết. 

Hồ sơ khởi kiện gồm có đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của người khởi kiện. Nội dung đơn khởi kiện phải có các nội dung chính như sau:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện; 
b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
d) Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
đ) Tên, địa chỉ của người bị kiện;
e) Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
g) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có. 

3. Về thỏa thuận trả tiền gốc:

Việc bên cho vay không đồng ý cho bạn trả góp khoản tiền gốc mà chỉ được trả một lần là không vi phạm pháp luật về quy định cho vay tài sản. Tuy nhiên, bạn nên liên hệ thương lượng với bên cho vay tạo điều kiện để thực hiện phương thức thanh toán phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer