Câu hỏi:

Xin cho tôi hỏi 1 vài điều trong luật lao động.
1. Công ty có quyền phạt tiền người lao động dưới hình thức chuyển khoản tiền vào quỹ của công ty không? Ví dụ như nếu không mặc đồng phục công ty sẽ bị phạt 300.000đồng/lần vi phạm
2. Công ty mua mũ bảo hiểm tặng cho nhân viên, nhưng vì một vài lí do mà nhân viên không sử dụng hoặc bị mất, nhưng công ty lại phạt tiền khi người lao động không sử dụng mà không cần biết nguyên nhân tại sao? Và còn qui định mức phạt 500.000VND/lần và tối thiểu là 3 lần. Sau 3 lần như vậy thì công ty sẽ cho thôi việc.
Những quy định và những điều mà công ty làm như vậy có đúng hay đã vi phạm luật lao động?

Trả lời
Bộ luật Lao động  2012 quy định tại  Điều 128. Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động
“1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.
2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động”.

Hành vi phạt tiền của công ty để thay thế các hình thức kỷ luật lao động mà pháp luật lao động đã quy định thì với những hành thức mà bạn nêu ra ở câu hỏi trên là trái với quy định pháp luật lao động. Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 15 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, hành vi phạt tiền người lao động là một trong những hành vi bị xử phạt, theo đó:
“ Điều 15. Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

…..
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động;
b) Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;
c) Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động”.

 
Do đó, đối với từng trường hợp trên thì cần phải xem rằng việc công ty có ban hành nội quy lao động quy định về việc mặc đồng phục hay đội mũ bảo hiểm đến nơi làm việc là đúng pháp luật không, căn cứ ban hành nội quy lao động dựa vào Bộ luật lao độngNghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động chứ không thể ban hành nội quy một cách tùy ý của doanh nghiệp trái với pháp luật. Từ đó mới xác định căn cứ để kỷ luật lao động.

Tuy nhiên, xét cho cùng thì dù việc ban hành nội quy về việc mặc đồng phục tại nơi làm việc và sử dụng mũ bảo hiểm của công ty có đúng pháp luật mà người lao động vi phạm những quy định đó mà áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền như vậy là trái pháp luật.

Ngoài ra, quy định về việc chấm dứt hợp đồng lao động phải thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 38, Bộ Luật Lao động 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau:

“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây: 
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động; 
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc; 

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này”.

Căn cứ vào Bộ luật Lao động 2012, Điều 125 quy định về hình thức xử lý kỷ luật lao động, có 3 hình thức là kiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức; sa thải. Về việc áp dụng hình thức kỉ luật sa thải, căn cứ Điều 126 thì hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

“1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;
3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động”.


Cho nên, việc quy định mức phạt 500.000VND/lần và tối thiểu là 3 lần. Sau 3 lần như vậy thì công ty sẽ cho thôi việc là không có căn cứ. Do đó, bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại về việc xử phạt và ban hành những nội quy trái pháp luật của công ty.
 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer