Hỏi: 

Chị Nguyễn Văn Tý ở Thanh Hoá hỏi: Tôi và anh Đinh Thanh Ngọc đăng ký kết hôn với nhau từ năm 1989 có một con chung là cháu Đinh Thanh Long (sinh năm 1990) cháu Long bị bại liệt từ nhỏ hoàn toàn không có khả năng lao động. Đến năm 1999 anh Ngọc bỏ đi và sống bất hợp pháp với cô Đỗ Thị Huệ. Tháng 4 năm 2010 anh Ngọc mất để lại khối di sản là 300 triệu. Anh Ngọc di chúc chia cho cháu Long 30 triệu còn tôi, bà Mùi (mẹ của anh Ngọc; bố anh Ngọc đã mất) và cả cháu Đinh Thanh Dũng là con ngoài giá thú của anh Ngọc và cô Huệ không được gì cả còn lại toàn bộ tài sản của anh Ngọc anh Ngọc đã để lại di chúc cho cô Huệ. Vậy xin hỏi pháp luật có quy định gì để bảo vệ quyền lợi của Tôi, con tôi, cháu Đinh Thanh Dũng (sau này cô Huệ đi lấy chồng và để lại cháu Dũng cho Bà Mùi nuôi) và bà Mùi?
 

Đáp: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, câu hỏi của bạn Công ty Luật TNHH Sao Việt xin trả lời như sau:
Trong việc này, cần giải quyết như sau: giả định di sản của anh Ngọc được chia theo pháp luật thì những người thừa kế theo pháp luật của anh Ngọc (điều 679 khoản 1 điểm  a) là chị Tý, cháu Đinh Thanh Long, cháu Đinh Thanh Dũng và mẹ của anh Long là bà Mùi. Vậy nếu chia theo luật thì mỗi người sẽ được:
300 triệu : 4 = 75 Triệu
Nhưng trong di  chúc anh Ngọc đã truất quyền hưởng thừa kế của chị Tý, bà Mùi, cháu Dũng, còn  cháu Long chỉ được chia 30 triệu.
Theo điều 669 Bộ Luật Dân Sự quy định về "người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
"Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thưà kế theo pháp luật, nếu như di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối hưởng di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại điều 645 hoặc khoản 1 điều 646 của Bộ luật này:

  1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động."

Bởi vậy, nếu anh trong di chúc anh Ngọc không cho chị Tý, cháu Đinh Thanh Dũng, bà Mùi được hưởng di sản và cháu Đinh Thanh Long chỉ được hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật. Thì chị Tý, cháu Đinh Thanh Long (con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động), cháu Đinh Thanh Dũng (con chưa thành niên) và mẹ của anh Long là bà Mùi vẫn được hưởng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật. Vậy:
Chị Tý = cháu Long = cháu Dũng= Bà Mùi =2/3 x 75 triệu = 50 triệu
Trừ khi những người trên từ chối nhận di sản (Điều 645) hoặc là những người không được quyền hưởng di sản  (Điều 642 bộ luật dân sự) ở vào một trong bốn trường hợp dưới đây:

  • Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người để lại di sản hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm người để lại di sản;
  • Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
  • Có hành vi lừa dối, cưỡng ép  hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; có hành vi giả mạo; sửa chữa; huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản;
  • Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hay toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.

 Chị Huệ sẽ là người thừa kế theo di chúc của anh Ngọc chỉ còn được hưởng phần di sản của anh Ngọc trị giá là: 300 triệu - (50 triệu x 4) = 100 triệu.

Trên đây là tư vấn của công ty luật Sao Việt, nếu có thêm thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 1900 6243.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer