Hỏi: Ngân hàng X và ông Y có tranh chấp về hợp đồng thế chấp tài sản. Ngân hàng X đã có văn bản uỷ quyền cho luật sư Hoàng Văn Bình thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự (nguyên đơn) trong việc khởi kiện và tham gia giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm. Ngày 24/01/2010 Toà sơ thẩm mở phiên xét xử. Không đồng ý với quyết định của bản án, luật sư Bình đã làm đơn kháng cáo. Nhưng Toà án đã bác đơn kháng cáo của luật sư Bình vì cho rằng hành vi của luật sư Bình đã vượt ra ngoài phạm vi được Ngân hàng X uỷ quyền. Xin hỏi: Toà án chấp nhận việc uỷ quyền tham gia tố tụng của đương sự đến giai đoạn nào? Việc Toà án đã bác đơn kháng cáo của luật sư Bình có đúng không?
Đáp:
  • Thứ nhất: Phạm vi ủy quyền tham gia tố tụng
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) thì nguyên đơn  (Ngân hàng) được phép ủy quyền cho Luật sư Bình tham gia bảo vệ quyền lợi cho mình trong mọi giai đoạn tố tụng. Luật sư Bình có thể thay Ngân hàng thực hiện một hoặc một số hoặc tất cả các quyền, nghĩa vụ của Ngân hàng theo quy định của pháp luật và được thể hiện trong văn bản ủy quyền giữa hai bên.
  • Thứ hai: Việc Tòa án bác đơn kháng cáo của Luật sư Bình là hoàn toàn đúng pháp luật
Theo nội dung ủy quyền đề cập ở trên thì phạm vi ủy quyền ở đây (giữa Ngân hàng cho Luật sư Bình) chỉ gói gọn trong việc khởi kiện và tham gia giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm mà không bao gồm việc kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án.
Luật sư Bình chỉ được quyền đại diện Ngân hàng thực hiện những quyền và nghĩa vụ tố tụng trong phạm vi ủy quyền (Khoản 2 Điều 74 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 được sửa đổi, bổ sung 2011 đã quy định). Quy định này là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ: Khi bên ủy quyền không thể hoặc không có điều kiện thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình thì họ mới ủy quyền, trước khi ủy quyền họ cũng đã cân nhắc xem phạm vi ủy quyền đến đâu, như thế nào để quyền lợi của mình được đảm bảo, được pháp luật công nhận và sẽ có trách nhiệm với kết quả của việc ủy quyền mang lại. Giả sử, bên nhận ủy quyền được tự do thực hiện những việc ngoài phạm vi ủy quyền thì ắt hẳn những kết quả trái với ý nguyện của bên ủy quyền sẽ xảy ra, chưa kể nếu bên nhận ủy quyền không còn thiện chí nữa.
Theo đó, việc Tòa án bác đơn kháng cáo của Luật sư Bình trong trường hợp này là hoàn toàn đúng pháp luật.
Để tiếp tục kháng cáo trong vụ án này thì Ngân hàng có thể tự mình nộp đơn kháng cáo hoặc làm tiếp văn bản ủy quyền cho Luật sư Bình hoặc cá nhân/tổ chức khác có đủ năng lực tham gia tố tụng.
Lưu ý: Các bên nên trao đổi, bàn bạc kỹ về phạm vi ủy quyền trước khi ký văn bản ủy quyền để giảm trừ những thao tác, công việc phụ làm ảnh hưởng tiến độ giải quyết vụ án.
 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer