Câu hỏi:
Tôi là sinh viên, thuê trọ cùng hai bạn nữa ở nhà dân gần trường nhưng chưa đăng ký tạm trú tại phường.Công an vào kiểm tra, phạt chúng tôi mỗi người 300.000 đồng, xin hỏi như vậy đúng hay sai? Có phải công an cứ thích là được vào nhà kiểm tra tạm trú của công dân không?

 
Trả lời: 
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty chúng tôi. Từ những thông tin mà bạn cung cấp, Tổ Hình sự thuộc Công ty Luật Sao Việt chúng tôi xin có ý kiến như sau:
  • Về việc xử phạt hành chính đối với vi phạm trong đăng ký tạm trú:
- Việc đăng ký tạm trú được quy định rất cụ thể tại Điều 30 của Luật cư trú năm 2006 như sau: Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.”
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì trường hợp vi phạm quy định về đăng ký tạm trú sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 13 của Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định như sau: “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.”
Như vậy, nếu đã quá 30 ngày kể từ ngày đến ở mà bạn chưa đăng ký tạm trú và cũng không có tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng thì mức xử phạt là mức trung bình của khung hình phạt, tức là 150.000 đồng.
  • Lưu ý thêm về thẩm quyền kiểm tra
Về thẩm quyền khi kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình được quy định cụ thể trong Điều 26 Thông tư 35/2014/TT-BCA như sau:
  • Nếu là Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn bàn đang thuê trọ thì có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra. Việc kiểm tra nơi cư trú này có thể tiến hành “định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự”. Tức là công an khu vực được quyền kiểm tra bất kể lúc nào, kể sả sau 23h.
  • Nếu là Công an cấp trên tại địa bàn dân cư tiến hành kiểm tra thì phải có cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến.
Để bảo đảm quyền lợi của mình, cũng như tránh trường hợp có người giả mạo công an để thực hiện hành vi lừa đảo, trộm cắp…chủ nhà có quyền yêu cầu người thi hành công vụ xuất trình giấy tờ, chứng minh tư cách thi hành công vụ (như xuất trình thẻ ngành). Theo quy định tại Điều 11, Nghị định  208/2013/NĐ-CP về phòng ngừa, ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ quy định: “Khi tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng thi hành công vụ phải sử dụng đúng trang phục, phương tiện được trang bị, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; tuân thủ trình tự, thủ tục, kế hoạch, quy trình công tác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, khi tiến hành kiểm tra, nếu thấy nghi ngờ (trang phục của người kiểm tra không đúng, không có thẻ ngành…) thì chủ nhà có quyền từ chối việc kiểm tra đó. Kết thúc việc kiểm tra, bắt buộc phải có biên bản làm việc và chủ nhà được giữ một bản (trừ trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản).

Trên đây là những tư vấn sơ bộ của chúng tôi, đối chiếu lại về mặt thủ tục, cũng như mức phạt tiền bạn sẽ xác định được trong trường hợp này công an xử phạt đúng hay chưa.
Trân trọng.
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer