Tất Đạt: Hiện tại tôi vừa ký một hợp đồng thử việc cho một công ty chuyên về IT tại TP.Hồ Chí Minh và được yêu cầu thử việc trong vòng 2 tháng với mức lương bao gồm lương cứng thử việc cộng với doanh số, tổng lương gần 15 triệu đồng. Tôi muốn hỏi rằng với mức lương như vậy thì tôi có phải đóng thuế TNCN trong thời gian thử việc này hay không và nếu có thì cách tính như thế nào?

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời:

Cảm ơn Tất Đạt đã gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt, đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thông thường, trước khi ký hợp đồng lao động chính thức, giữa người lao động và doanh nghiệp sẽ thỏa thuận để ký với nhau hợp đồng thử việc không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên, và tiền lương thỏa thuận phải bằng ít nhất 85% mức lương của công việc theo quy định của Bộ luật Lao động 2012.

1. Về việc có phải đóng thuế TNCN trong thời gian thử việc hay không?

Theo quy định tại khoản 2 điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân thì thu nhập chịu thuế bao gồm các loại thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công. Đối tượng phải chịu thuế TNCN là các cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế theo quy định tại khoản 1 điều 2 của Luật này.

Như vậy, tiền lương, tiền công trong lao động nói chung và lao động thử việc, lao động mùa vụ, lao động thời vụ dưới 3 tháng nói riêng đều là đối tượng điều chỉnh và là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân của Luật thuế hiện hành. 

Trường hợp của bạn thuộc vào đối tượng chịu thuế TNCN theo quy định của pháp luật.

2. Cách tính thuế TNCN đối với lao động trong thời gian thử việc

Thuế TNCN đối với lao động trong thời gian thử việc sẽ khác so với lao động đã kí hợp đồng lao động khác (xác định thời hạn, không xác định thời hạn). Ở trường hợp của bạn, chúng tôi chia thành 2 tình huống như sau:

Trường hợp 1: Sau thời gian thử việc, bạn tiếp tục ký hợp đồng dài hạn, thì thời gian thử việc được khấu trừ thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần.

Cách tính: Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x thuế suất

(Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - khoản giảm trừ)

Bảng thuế suất lũy tiến theo Phụ lục: 01/PL-TNCN Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC

Trường hợp 2: Nếu sau thời gian thử việc, người lao động không tiếp tục ký hợp đồng lao động dài hạn:

Căn cứ quy định tại Điểm b, Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC (hướng dẫn Luật Thuế TNCN) thì đối với người lao động trong thời gian thử việc sẽ tiến hành khấu trừ thuế TNCN như sau:

“ Điều 25. Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế

1. Khấu trừ thuế

b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công

b.1) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.

i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác

Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân...”

Như vậy, khi người lao động ký kết hợp đồng thử việc mà có tổng mức thu nhập từ 2.000.000 trở lên thì doanh nghiệp tiến hành khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân đó.

Nếu trường hợp bạn ký hợp đồng thử việc nhưng chỉ có duy nhất 1 nguồn thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ 10%, nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của NLĐ sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì có thể làm Bản cam kết (theo mẫu số 02/CK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC) gửi doanh nghiệp để làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% khi chi trả. Bạn cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam kết của mình và phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.

Cách tính: Thuế TNCN = Tổng tiền lương x 10%

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer