Câu hỏi: (anh Thái – Bắc Giang)
Bố mẹ tôi sinh được 3 anh em trai. Vào tháng 2 năm 2017 bố mẹ tôi trên đường về quê không may gặp tai nạn và mất. Sau khi bố mẹ mất 3 anh em chúng tôi đã chia di sản thừa kế mà bố mẹ để lại là 300m2 đất cùng căn nhà 3 tầng. Vì bố mẹ đột ngột qua đời nên chúng tôi không nghĩ bố mẹ lập di chúc, do đó chúng tôi đã chia di sản theo pháp luật. Mọi thủ tục chia di sản đã hoàn tất, tôi là người được sử dụng ngôi nhà và diện tích đất, đã thanh toán phần giá trị cho hai em tôi. Tuy nhiên vừa qua chúng tôi được biết bố mẹ tôi trước đó có lập di chúc và di chúc đó đang được gửi giữ tại một văn phòng luật sư. Xin Luật sư cho biết, trường hợp di sản của bố mẹ tôi đã chia theo pháp luật, và anh em chúng tôi đã đồng ý như vậy, liệu khi công bố di chúc, việc chia di sản trước đó không giống với nội dung di chúc thì sẽ chia theo di chúc hay giữ nguyên cách chia ban đầu.


Trả lời:

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới chúng tôi, với trường hợp của anh, phòng tư vấn dân sự- công ty Luật Sao Việt giải đáp như sau:
Điều 624 bộ luật dân sự 2015 định nghĩa: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Pháp luật dân sự luôn tôn trọng quyền tự định đoạt tài sản của cá nhân theo ý chí của họ. Trong chế định thừa kế, cá nhân sau khi chết nếu có di chúc sẽ ưu tiên chia di sản theo nội dung di chúc, trường hợp không có di chúc hoặc di chúc vô hiệu thì mới chia theo pháp luật. Trường hợp của bạn căn cứ Khoản 3 Điều 642 BLDS 2015: “Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu”Như vậy, mặc dù anh em bạn đã chia di sản theo pháp luật, và không ai có ý kiến gì về phần được chia, tuy nhiên nếu người được chỉ định thừa kế trong di chúc có yêu cầu, thì sẽ phải chia lại theo di chúc, nếu nội dung di chúc thể hiện chỉ có 3 anh em bạn là người thừa kế, bạn có thể thống nhất cùng 2 anh/chị/em còn lại, đồng ý với cách chia ban đầu và không yêu cầu chia di sản theo di chúc, biên bản thống nhất phải được công chứng chứng thực để đảm bảo giá trị pháp lý.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer