Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu không phải là khái niệm xa lạ đối với người dân, thế nhưng từ khi dịch bệnh Covid 19 bùng phát trở lại và nhiều tỉnh thành ở Việt Nam buộc phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ thì khái niệm “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” lại gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận. Vậy pháp luật hiện nay đang quy định như thế nào là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu?

Ảnh minh họa, Nguồn: Internet.

Mặc dù tại Điều 4 Luật Giá năm 2012 có quy định "hàng hoá, dịch vụ thiết yếu" là những hàng hoá, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh. Nhưng đây chỉ là định nghĩa Luật Giá đưa ra quy định về những đối tượng sẽ được cơ quan nhà nước điều tiết, bình ổn giá và định nghĩa này cũng giải thích rất chung chung.

Vì vậy, hầu hết các địa phương đều đưa ra quy định dựa trên tinh thần của Công văn số 2601/2020 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Chỉ thị 16 liệt kê hàng hóa thiết yếu bao gồm: lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu, điện, nước, nhiên liệu,… và dịch vụ thiết yếu bao gồm: cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm,… chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ…

Theo hướng dẫn tại Công văn trên, các địa phương ban hành văn bản quy định và áp dụng một cách linh hoạt. Ví dụ sau vụ “Bánh mì không phải là thực phẩm”, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa ngay lập tức phải ban hành văn bản hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, văn bản này liệt kê cụ thể các mặt hàng được coi là hàng hóa thiết yếu như:

Hàng thực phẩm tươi sống: thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản), rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả), trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng).

Hàng công nghệ phẩm: Bánh, kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật, sữa các loại, mì gói và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của người dân, nước uống, nước ngọt đóng chai, thùng, lon…

Lương thực: Gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn, bột, tinh bột (các sản phẩm từ tinh bột).

Ngoài ra còn có thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, khẩu trang, sản phẩm dùng để rửa tay, tắm giặt, gội, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh. Bên cạnh đó còn có các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông như xăng dầu, gas, khí đốt và các nguyên, nhiên liệu khác phục vụ sản xuất, đời sống như dịch vụ cung cấp điện, nước. Thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.

Ngoài ra, quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cũng được thay đổi linh hoạt tuỳ vào tình hình diễn biến dịch bệnh, đặc điểm kinh tế xã hội của từng địa phương.

Ví dụ ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi UBND thành phố ban hànhcông văn 2468/UBND-VX ngày 23/7/2021 về tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn TP thì đã thu hẹp, không cho phép cơ sở bổ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...) được hoạt động như Công văn 2279 trước đó.

Hoặc như tại Tây Ninh, nhu yếu phẩm cần thiết còn có thêm sản phẩm diệt côn trùng, vệ sinh cá nhân... và các cơ sở được phép hoạt động còn có thêm các mặt hàng kim khí, điện máy phục vụ các hoạt động của gia đình, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh (vật tư ngành điện dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp, điện tử, vật tư ngành nước, vật tư nguyên liệu xây dựng ...).

Nhìn ở góc độ tích cực, việc quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tại các địa phương khác nhau sẽ phù hợp với tình hình thực tế về kinh tế và diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, thiếu đi những quy định “cứng” để áp dụng cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, điển hình như vụ “bánh mì không phải là lương thực” ở Khánh Hòa, hay vụ việc một số địa phương cho rằng “sữa, đồ uống” không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu nên không được lưu thông vào thành phố. Khi không có một tiêu chuẩn chung nhằm thống nhất cách áp dụng giữa các địa phương sẽ khiến cách doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong giao dịch, lưu thông hàng hóa.

Dịch bệnh rất khó được kiểm soát hoàn toàn trong thời gian ngắn, vì vậy, cấp thiết cần phải có một hành lang pháp lý cụ thể để doanh nghiệp và người dân thuận lợi áp dụng trong giai đoạn này. Đây không chỉ là lời giải cho những bài toán nhỏ lẻ ở từng địa phương mà chính là phương án cấp bách phải thực hiện để khai thông trên cả nước.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer