Báo PL&XH só 34 và 44, đăng bài “Vụ án cố ý gây thương tích ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm – Có bỏ lọt tội phạm và Cần sự “vào cuộc” của công an thành phố ?”.

Tại phiên tòa sơ thẩm, người bị hại một mực khẳng định bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn đã nhận tội thay và Nguyễn Đăng Thao (được xác định là nhân chứng) mới là thủ phạm, Nguyễn Văn Minh là chủ mưu. Vụ việc càng gây bức xúc dư luận hơn khi người bị hại, gia đình và luật sư của họ cho rằng bị cáo đã nuốt ma túy tại sân Tòa án khi đang được giải ra xe; Nguyễn Đăng Thao đe dọa sẽ “giết chết” PV nếu dám chụp ảnh anh ta ngay tại phiên tòa… Người bị hại còn khẳng định, Sơn đã uống rượu trước khi thực nghiệm điều tra bổ sung lần thứ ba…

VKS huyện Gia Lâm đã truy tố Nguyễn Ngọc Sơn về tội Cố ý gây thương tích, và không phê chuẩn quyết định truy tố Thao về tội Gây rối trật tự công cộng.

Đây là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, lời khai của bị hại, bị cáo và các nhân chứng có nhiều mâu thuẫn. Sơn, Thao đều khai Sơn ném gạch vào đầu chị Thu nhưng chị Thu và gia đình một mực khẳng định Thao mới là người đập gạch vào đầu gây thương tích cho chị. Sơn là người nhận tội thay. Nhân chứng duy nhất của vụ án tại cơ quan điều tra và phiên tòa có lời khai khác nhau …

Ba lần điều tra bổ sung…

Sau hai lần hoãn, TAND huyện Gia Lâm đã mở phiên tòa sơ thẩm và quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung (ĐTBS) lần thứ nhất  với nội dung: đối chất giữa Thu với Thảo và giữa Thu với Sơn, khởi tố Thao về tội Cố ý gây thương tích. Kết luận ĐTBS lần thứ nhất chưa đủ cơ sở để khởi tố Thao về tội Cố ý gây thương tích.

Hồ sơ được chuyển sang Tòa và Tòa quyết định trả hồ sơ ĐTBS lần thứ hai. Kết luận ĐTBS lần thứ hai vẫn không chứng minh được các yêu cầu của Tòa: nguồn gốc một nửa viên gạch và các hung khí khác tại hiện trường. CA huyện Gia Lâm chỉ tiến hành diễn lại hành vi của Sơn ném viên gạch bằng tay phải mà không thực nghiệm theo lời khai bị hại là ném bằng tay trái. Tòa yêu cầu diễn lại hành vi, tình huống để kết luận từ “vị trí của Sơn ném bằng tay trái và vị trí của Thao đập gạch bằng tay phải, tư thế nào có khả năng gây thưng tích cho chị Thu” nhưng việc thực nghiệm chỉ diễn lại hành vi ném của Sơn mà không thực nghiệm hành vi ném của Thao… VKSND huyện cũng không có kết luận gì dù có them nhiều tình tiết mới, như: bị cáo Sơn tự nguyện nộp thêm 15 triệu đồng để khắc phục hậu quả, có việc thực nghiệm điều tra (TNĐT), tổ chức đối chất, từ chối đối chất của người bị hại…

Không đủ cơ sở để đưa vụ án ra xét xử, ngày 19/7/2007, TAND huyện Gia Lâm quyết định trả lại hồ sơ yêu cầu ĐTBS (lần thứ ba) với 3 nội dung: Lập biên bản từ chối tham gia tố tụng của chị Thu, trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì cơ quan điều tra hoặc VKS trả lời và nêu lý do; Chứng minh nguồn gốc nửa viên gạch thứ hai và các hung khí khác có tại hiện trường, TNĐT bằng cách dựng lại hiện trường, diễn biến lại hành vi, tình huống để kết luận vị trí và tư thế của Sơn, Thao ném, đập gạch có tạo ra vết thương hiện tại của chị Thu hay không.

Quá trình ĐTBS có tình tiết mới, đề nghị VKSND huyện có kết luận.

Cơ quan điều tra “bó tay” vì bị cáo “không đồng ý”?

Ngày 31/5/2007, Công an, VKSND huyện Gia Lâm và Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP đã tiến hành TNĐT bổ sung. Theo yêu cầu, Sơn phải diễn lại lần lượt hành vi ném bằng tay phải, trái ở các tư thế, Thao phải diễn lại hành vi ném và đập gạch. Tuy nhiên sau khi diễn lại tình huống ném bằng tay phải, Sơn đã từ chối diễn lại hành vi bằng tay trái (tình huống theo chị Thu là Sơn đã ném gạch – PV) và Thao cũng đã từ chối diễn lại hành vi. Kết quả, Công an huyện Gia Lâm đành “bó tay”, không có cách gì buộc Thao, Sơn phải tiến hành TNĐT và cũng không thay thế người khác diễn lại các hành vi này.

Đây không phải lần đầu cơ quan điều tra Công an huyện Gia Lâm “chịu thua” bị can. Tại phiên Tòa sơ thẩm lần đầu ngày 15/12/2006, người nhà bị hại và luật sư cho rằng bị cáo Sơn đã nuốt ma túy tại sân Tòa khi được dẫn giải ra xe. Họ đã yêu cầu đưa Sơn vào bệnh viện kiểm tra nhưng cơ quan Công an đã không thể xác minh được điều này do “bị cáo không đồng ý”!

Luật sư Quang Anh – Công ty luật TNHH Sao Việt, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích:

“Trong tố tụng hình sự trách nhiệm chứng minh là của cơ quan tiến hành tố tụng. nếu bị can từ chối mà cơ qun điều tra … “chịu thua” không có biện pháp nghiệp vụ gì để điều tra được thì việc kéo dài vụ án là không tránh khỏi. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể thay thế người khác có thể hình tương tự như Sơn, Thao để thực nghiệm diễn lại các hành vi theo yêu cầu của Tòa”.

Bị can uống rượu trươc khi thực nghiệm điều tra?

Chị Tuyết (em gái chị Thu) khẳng định: “Khi công an chở Sơn đến, người nhà đã đưa rượu cho Sơn uống. Ngay khi phát hiện, gia đình tôi đã đề nghị Công an dừng thực nghiệm điều tra và cho Sơn đi xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, nhưng cơ quan công an không có ý kiến gì. Đến khoảng 15h30 sau khi tiến hành TNĐT xong, lúc kí vào biên bản tôi đã ghi rõ “ Sơn uống rượu trước khi TNĐT, gia đình bị hại yêu cầu đi xét nghiệm nồng độ cồn nhưng cơ quan công an không có ý kiến gì”, thì họ phản đối, cho rằng không có chuyện gì và nói bây gờ đưa đi xét nghiệm. Nhưng giữa thời tiết mùa hè nóng nực, uống nhiều nước, ra mồ hôi suốt từ sáng tới giờ thì làm sao xét nghiệm chính xác nữa.?”

Ngày 11/7/2007 VKSND huyện Gia Lâm chuyển hồ sơ sang Tòa để xét xử. Kết luận điều tra của Công an huyện Gia Lâm vẫn chưa làm sáng tỏ những vấn đề Tòa yêu cầu. Trong văn bản kèm theo cáo trạng (cũ), VKSND huyện nêu: qua TNĐT cho thấy, tại hiện trường thu được nửa viên gạch và gần đó có 1 đống gạch. Sơn thừa nhận chỉ ném 1 viên, một nửa viên còn lại không xác minh được do ai mang đến, không đủ chứng cứ chứng minh viên gạch nào gây thương tích cho chị Thu. Số hung khí tại hiện trường không đủ cơ sở kết luận do ai đem đến.

Thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung đã hết, nên Tòa bắt buộc phải đưa vụ án ra xét xử. Dự kiến, phiên tòa sẽ được mở trước ngày 16/8/2007.

  • Cơ quan đăng tải: Nhà báo và công luận

  • Người thực hiện: Đào Bình

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer