Năm 2017, chị D kết hôn với anh T nhưng chưa có con. Tháng 9/2018 anh T bị tai nạn giao thông chết, chị D nhớ lại mong muốn có con của anh T lúc còn sống nên đã đề nghị trước khi chôn cất anh T thì lấy tinh trùng của chồng để sau khi lo xong việc ma chay sẽ tiến hành thụ tinh nhân tạo. Vậy nếu đứa trẻ được sinh ra bằng tinh trùng của người đã chết thì xác định cha mẹ và quyền thừa kế như thế nào?

Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời:

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, hôn nhân chấm dứt do vợ hoặc chồng chết được tính từ thời điểm vợ hoặc chồng chết; hoặc trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án. Do đó, đối với trường hợp bạn nêu ra thì việc xác định cha con và quyền thừa kế theo khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân & gia đình sẽ thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.”

Để xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được quy định như sau:

- Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật HN&GĐ 2014.

- Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra.

- Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.

Vì vậy, trường hợp nếu đứa trẻ sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm anh H và chị T chấm dứt hôn nhân do anh H chết thì đứa trẻ vẫn có đầy đủ các quyền xác định cha, mẹ, cũng như quyền thừa kế. Nếu đứa trẻ sinh ra quá thời hạn 300 ngày kể từ khi chấm dứt hôn nhân thì không được xem là con chung trong thời kì hôn nhân.

Tuy nhiên, tại Điều khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân & gia đình 2014 lại quy định rằng: “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”. Điều đó có nghĩa là pháp luật chưa quy định một cách rõ ràng và việc xác định cha cho đứa trẻ vẫn có thể được thực hiện.

Về quyền thừa kế, căn cứ Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”. Nếu theo quy định này anh T đã chết trước khi chị D thụ tinh nên nếu đứa trẻ có được sinh ra thì cũng không phải người thừa kế của anh H.

Hiện tại, pháp luật nước ta cũng chưa quy định rõ ràng và chưa giải quyết hết vấn đề về quyền của đứa trẻ nếu được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh của người chết để lại. Do đó, trường hợp bạn đưa ra sẽ là một vấn đề mới mà pháp luật cũng cần điều chỉnh hoặc quy định một cách rõ ràng hơn nữa để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho những đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896 hoặc E-mail: saovietlaw@vnn.vn.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer