Hiện nay pháp luật không quy định bắt buộc doanh nghiệp (dù tồn tại ở loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hay doanh nghiệp tư nhân,…) phải thành lập công đoàn.

Theo đó công đoàn được thành lập xuất phát từ sự tự nguyện, và mong muốn của người lao động trong doanh nghiệp, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Khi đó công đoàn được tổ chức trong doanh nghiệp tương ứng với cấp công đoàn cơ sở theo quy định tại Điều 7 Luật Công đoàn 2012.

Công đoàn cơ sở được thành lập trong doanh nghiệp khi đáp ứng điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Điều lệ Công đoàn Việt Nam (Nay là quyết định 174/QĐ-TLĐ), các điều kiện cụ thể gồm:

+ Thứ nhất, doanh nghiệp hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật (bao gồm cả các công ty con trong nhóm công ty; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có trụ sở đặt tại địa phương khác). Ngoài ra công đoàn cơ sở còn được thành lập trong hợp tác xã có sử dụng lao động, đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập hạch toán độc lập, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội…

+ Thứ hai, Công đoàn phải có tối thiểu 05 đoàn viên hoặc người lao động trở lên.

+ Thứ ba, Các thành viên có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.

Về thủ tục thành lập công đoàn cơ sở trong công ty cổ phần:

Tương tự như thủ tục thành lập công đoàn cơ sở trong các đơn vị sử dụng lao động khác, việc thành lập công đoàn cơ sở trong công ty cổ phần phải trải qua các bước được quy định tại Điều lệ công đoàn (Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 được hướng dẫn bởi Điểm 12 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020) như sau:

Bước 1: Thành lập ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở:

Ở doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở, NLĐ được vận động NLĐ khác gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn:

+ Cử trưởng ban vận động

+ Liên hệ công đoàn cấp trên

Điều kiện thành lập ban vận động: có ít nhất 05 người gồm NLĐ là đoàn viên công đoàn và NLĐ có đơn gia nhập công đoàn

Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở có trách nhiệm: tổ chức vận động thành lập Công đoàn cơ sở; vận động người lao động tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam; để nghị công đoàn cấp trên trực tiếp hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.

Bước 2: Tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở

Công đoàn cấp trên hướng dẫn ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở việc tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.

a. Thành phần dự đại hội gồm:
- Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.
- Người lao động đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động đã là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.
- Đại diện công đoàn cấp trên, người sử dụng lao động và các thành phần khác (nếu có) cùng dự, chứng kiến đại hội thành lập công đoàn cơ sở.

b, Nội dung đại hội gồm:

- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
- Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và công tác chuẩn bị tổ chức thành lập công đoàn cơ sở.

- Công bố danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.
- Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.
- Đại diện công đoàn cấp trên phát biểu (nếu có).
- Người sử dụng lao động phát biểu (nếu có).
- Bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở.
- Bầu cử chủ tịch công đoàn cơ sở.
- Thông qua kế hoạch hoạt động của công đoàn cơ sở.
Việc bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn cơ sở thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. Phiếu bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn phải có chữ ký của trưởng ban vận động thành lập công đoàn cơ sở ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

Bước 3: Tổ chức họp ban chấp hành công đoàn, nộp hồ sơ đề nghị công đoàn cấp trên xem xét

+ Tổ chức họp ban chấp hành công đoàn cơ sở trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội thành lập để bầu ban thường vụ, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn (nếu đủ điều kiện).

+ Ban chấp hành lập hồ sơ đề nghị công đoàn cấp trên xem xét, công nhận.

Thời gian lập: Tối đa 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội

Hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và kết quả bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra và các chức danh của ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn.
- Danh sách đoàn viên và đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động.
- Danh sách trích ngang lý lịch ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở.
- Biên bản đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
- Biên bản kiểm phiếu bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn cơ sở và biên bản bầu cử tại hội nghị ban chấp hành (nếu có).

Bước 4: Công đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định công nhận:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (Liên đoàn lao động cấp quận, huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính) có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của quá trình thành lập Công đoàn cơ sở.

- Trường hợp đủ điều kiện thì ra các quyết định: công nhận đoàn viên, công nhận Công đoàn cơ sở, công nhận ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành;

- Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì ra thông báo bằng văn bản không công nhận đoàn viên hoặc Công đoàn cơ sở, ban chấp hành Công đoàn cơ sở tới Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.

Sau khi được công đoàn cấp trên công nhận, ban chấp hành công đoàn cơ sở thực hiện các thủ tục khắc dấu; đồng thời triển khai tổ chức các hoạt động theo quy định

Lưu ý thời hạn thành lập công đoàn: Kể từ ngày doanh nghiệp được cấp phép và đi vào hoạt động, chậm nhất sau 06 tháng công đoàn địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn.

Sau khoảng thời gian nêu trên mà  chưa thành lập được thì công đoàn cấp trên có quyền chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của công ty để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của (tâp thể) người lao động.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer