Ngày 12/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 112/2021/NĐ-CP ( có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thay thế cho Nghị định 38/2020/NĐ-CP.

Ảnh minh họa: Internet

Một trong những điểm nổi bật của Nghị định 112/2021/NĐ-CP so với Nghị định 38/2020/NĐ-CP đó là siết chặt hơn quy định về dịch vụ đưa NLĐ sang nước ngoài làm giúp việc gia đình. Cụ thể:

1, Điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài

Bên cạnh các điều kiện cốt lõi quy định tại Điều 10 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp đưa NLĐ sang nước ngoài làm giúp việc gia đình còn phải đáp ứng các điều kiện:

+ Đang thực hiện hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận.

+ Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện nội dung hoạt động và đáp ứng tiêu chuẩn sau:

a) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước có năng lực ngoại ngữ phù hợp với nước tiếp nhận lao động và ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận;

b) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thường trực ở nước ngoài để thực hiện hoạt động quản lý người lao động, có năng lực ngoại ngữ phù hợp với nước tiếp nhận lao động và ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận;

c) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động giáo dục định hướng có ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận.

+ Phải bảo đảm người lao động đã có kinh nghiệm làm giúp việc gia đình ở nước ngoài hoặc có kiến thức làm giúp việc gia đình và trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2, Hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị theo Mẫu số 10 Phụ lục I Nghị định 112/2021/NĐ-CP

b) 01 bản sao văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ; 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc (hợp đồng lao động, văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm của nơi đã làm việc) của nhân viên nghiệp vụ

Thủ tục thực hiện:

+ Doanh nghiệp dịch vụ nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử (www.dolab.gov.vn);

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận để doanh nghiệp tham gia hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài. Trường hợp không chấp thuận, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Lưu ý: Trước khi đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài, doanh nghiệp phải nộp danh sách người lao động đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xác nhận.

Mọi thắc mắc chi tiết về các dịch vụ hoặc yêu cầu báo giá, xin vui lòng liên hệ ngay tới Luật Sao Việt:

============================

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT 1900 6243

Địa chỉ: Số 525 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội

Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer