Theo quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 thì quyền sử dụng đất được ghi nhận là một trong những tài sản mà tổ chức cá nhân có thể góp vốn vào công ty, cụ thể tài sản góp vốn có thể là tiền Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật hoặc các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Vậy thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất như thế nào? 

Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

Theo quy định pháp luật, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 đều có quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào các loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh . Cụ thể các trường hợp không được góp vốn gồm: 

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đối với trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất chỉ được sử dụng làm vốn góp khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 188 Luật đất đai 2013, cụ thể

+ Đất không có tranh chấp,

+ Đất trong thời hạn sử dụng,

+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án,

+ Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trừ một số trường hợp theo quy định của Luật Đất đai).

Trường hợp này giá trị quyền sử dụng đất sẽ được các thành viên công ty, các cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

Mặt khác, do đây là bất động sản phải đăng ký quyền sử dụng nên người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trình tự, thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ thực hiện thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Được quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.

Người thực hiện việc góp vốn chuẩn bị 01 bộ hồ sơ và nộp tại văn phòng đăng ký đất đai thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thuộc sở tài nguyên môi trường gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản gốc)

- Hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất

- Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý việc góp vốn

- Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.

- Trích lục bản đồ địa chính

- Văn bản ủy quyền công chứng chứng thực (nếu có)

Bước 2: Thẩm định hồ sơ

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bước 3: Trả kết quả

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người chủ sử dụng đất.

Thời gian giải quyết: 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

*Lưu ý: Trường hợp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh mà mục đích sử dụng đất của dự án, công trình sản xuất, kinh doanh khác với mục đích sử dụng đất của thửa đất mà người sử dụng dùng để góp vốn thì người sử dụng đất thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trước khi thực hiện thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư hoặc thực hiện thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất sau đó nhà đầu tư thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer