Chào Luật sư, tôi được biết công an có quyền ghi âm/nghe lén điện thoại để phục vụ công tác điều tra tội phạm. Tuy nhiên, theo tôi được biết, hành vi nghe, ghi âm lén điện thoại của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ là vi phạm pháp luật? Vậy, việc công an vẫn ghi âm lén có sai không?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Nghe điện thoại bí mật là một trong những biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được áp dụng từ ngày 01/01/2018 và chỉ một số trường hợp được áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt này. Cụ thể, Điều 223 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015  quy định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như sau:

" Điều 223: Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:

1. Ghi âm, ghi hình bí mật;

2. Nghe điện thoại bí mật;

3. Thu thập bí mật dữ liệu điện tử."

Các trường hợp được áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định tại Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:

"Điều 224. Trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các trường hợp:

1. Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền;

2. Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng."

Như vậy, từ ngày 01/01/2018, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật và thu thập bi mật dữ liệu điện tử sẽ được áp dụng trong quá trình điều tra các vụ án hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội phạm ma túy; tội phạm về tham nhũng; tội khủng bố; tội rửa tiền; tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Do đó, sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Tuy nhiên, như Điều 224 đã quy định trên, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt này cũng chỉ được áp dụng với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền; tội phạm khác (có tổ chức) thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chứ không được tùy tiện áp dụng trong tất cả các vụ án.

Chính vì tính chất đặc biệt của phương pháp điều tra này mà Luật cũng quy định rất khắt khe về các điều kiện áp dụng, đối tượng được quyền ra quyết định áp dụng và thời gian áp dụng. Cụ thể:

- Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, thủ trưởng cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt hoặc có thể theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu. 

- Những người ra quyết định và thực thi biện pháp tố tụng đặc biệt này phải "giữ bí mật" trong công việc. 

- Chỉ được sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra đặc biệt vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời; nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác.

- Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không quá hai tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định của Bộ luật này.

- Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải kịp thời hủy bỏ quyết định nếu: có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền; có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Theo điều 228 BLTTHS).

 

Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer