Bản án là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử một vụ án. Bản án đánh dấu sự kết thúc toàn bộ quá trình điều tra, xét xử, cho nên nội dung của nó phải phản ánh những kết quả của phiên tòa và ý kiến phân tích, đánh giá và quyết định của hội đồng xét xử việc chấp nhận hay không chấp nhận, cho hưởng hoặc không cho hưởng một quyền nào đó của đương sự, buộc đương sự thực hiện các nghĩa vụ nếu các đương sự không thỏa thuận được toàn bộ vấn đề của vụ án.

Sau phiên tòa sơ thẩm, Thẩm phán và Thư ký phiên tòa phải kiểm tra lại bản án, biên bản phiên tòa để khắc phúc ngay những sai sót của bản án đã tuyên hoặc sai sót trong việc ghi biên bản phiên tòa. Tuy nhiên, việc sửa chữa, bổ sung bản án phải tuân theo đúng quy định của BLTTDS.

Theo quy định tại điều 268 BLTTDS năm 2015 thì: “Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.”

Việc sai sót về số liệu do cộng, trừ, nhân, chia sai này hay có sai sót về lỗi chính tả do đánh máy hoặc lỗi kỹ thuật khác thì Thẩm phán phối hợp với các Hội thẩm nhân dân là thành viên của Hội đồng xét xử đã tuyên bản án đó ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án và gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp Thẩm phán đã xét xử vụ án đó không còn đảm nhiệm chức vụ Thẩm phán tại TAND đã ra bản án đó thì Chánh án Tòa án thực hiện việc sửa chữa, bổ sung bản án.

Nếu trong trường hợp nhận định đúng nhưng kết quả xét xử đã tuyên không đúng như nhận định của bản án thì không được sửa chữa kết quả đã tuyên theo nhận định của bản án. Nếu phát hiện việc quyết định của bản án không đúng như nhận định thì báo cáo Tòa án cấp trên để xem xét theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Theo quy định của BLTTDS năm 2015, nếu thuộc trường hợp được sửa chữa, bổ sung bản án thì  phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án và gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự nếu bản án đã được gửi cho cơ quan thi hành án dân sự thay vì chỉ ra thông báo về việc sửa chữa, bổ sung giống như BLTTDS năm 2004, sửa đổi năm 2011. Tuy nhiên, quy định về trách nhiệm của Tòa án phải gửi Quyết định sửa chữa, bổ sung cho các đương sự, VKS, cơ quan THA (nếu có) “ngay sau khi ban hành quyết định”  vẫn được giữ nguyên theo Bộ luật trước đây mà không được định lượng ra khoảng thời gian cụ thể.

Đồng thời với việc kiểm tra lại bản án thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải cùng thư ký phiên tòa kiểm tra lại biên bản phiên tòa để khắc phục ngay những sai sót. Nếu có sai sót thì kịp thời sửa chữa, bổ sung.

 



Từ Khóa
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer