Tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng được điều chỉnh theo một cơ chế đặc biệt khác với tất cả các chế độ sở hữu chung khác. Nếu là tài sản chung của vợ chồng, thì việc bảo đảm phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.

Về cơ bản từ năm 1987 đến nay, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng như nhà đất, xe ô tô thì Giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Như vậy, tuy đều là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng, nhưng những tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì việc cầm cố, thế chấp bắt buộc phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Trong khi đó, nếu là tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu như tiền, vàng, kể cả có ghi tên chủ sở hữu như cổ phiếu, giấy tờ có giá khác thì nhìn chung chỉ cần một người đứng tên giao dịch. 

Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên Giấy chứng chứng nhận quyền sở hữu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự ý cầm cố, thế chấp cho người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật hôn nhân và gia đình thì giao dịch đó vô hiệu (trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi).

Việc thế chấp nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền thế chấp tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.

Vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không đăng ký quyền sở hữu hoặc là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch cầm cố, thế chấp tài sản đó với người thứ ba ngay tình.Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng nếu giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch cầm cố, thế chấp tài sản này được thực hiện theo quy định về đại diện giữa vợ, chồng.

Tóm lại, giao dịch dân sự nói chung, giao dịch bảo đảm nói riêng đối với tài sản cảu vợ chồng trên thực tế có thể gặp nhiều khó khăn, rắc rối và rủi ro pháp lý. Đặc biệt nếu chỉ có một trong hai vợ chồng ký hợp đồng thế chấp tài sản là nhà ởm dù có hoàn toàn tự nguyện thì hầu hết vẫn bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hợp đồng thay vì chỉ vô hiệu một phần. Đây là việc phủ nhận ý chí định đoạt đối với phần tài sản mà chủ sở hữu, phủ nhận hợp đồng, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ mà chủ sở hữu đã tự cam kết, cho dù đã được công chứng, đăng ký thế chấp và gây rủi rất lớn cho bên nhận bảo đảm, mà phần lớn là các tổ chức tín dụng.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer