Giá khẩu trang, nước rửa tay, thiết bị y tế bắt buộc niêm yết giá bán công khai

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sẽ được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (theo khoản 1 Điều 11 Luật Giá 2012).

Theo Điều 19 Luật này thì khẩu trang y tế không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Do đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có nghĩa vụ niêm yết giá do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và sẽ không được mua, bán cao hơn giá niêm yết (Theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 12).

Niêm yết giá là việc mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không được gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa.

Tăng giá so với giá niêm yết sẽ bị xử phạt tới 30 triệu đồng

Theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định, giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá hoặc niêm yết giá không thực sự rõ ràng gây ra sự nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng; nếu vi phạm nhiều lần, tái phạm sẽ bị phạt từ  1 triêu – 3 triệu đồng.

Lưu ý: Phạt tiền từ 5 triệu – 10 triệu đồng đối với các hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện (theo khoản 3 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP).

Ngoài ra, theo  Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn quy định về mức xử phạt đối với Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý:

"1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý."

Để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế dùng cho việc phòng chống dịch nCoV, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã nhanh chóng ban hành Công văn 149/TCQLTT-CNV tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để mua vét, mua gom hàng hóa; lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý hay sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer