Tôi là một nhạc sỹ, trong những năm gần đây, tôi thấy thị trường âm nhạc Việt Nam có rất nhiều bài hát mang giai điệu tương tự nhau. Các nhạc sỹ muốn bảo vệ quyền lợi của mình nhưng rất khó để xác định được khi nào việc phát hành một tác phẩm có giai điệu tương tự một tác phẩm khác sẽ bị xem là xâm phạm quyền tác giả? Mong luật sư tư vấn giúp tôi những căn cứ và cách xác định trong trường hợp này.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và quan tâm đến Luật Sao Việt. Để trả lời cho câu hỏi của bạn, chúng ta cần làm rõ các vấn đề sau:

Hiểu thế nào là quyền tác giả?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 giải thích từ ngữ “quyền tác giả” như sau: “2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”

Quyền tác giả phát sinh từ khi tác phẩm được sáng tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương thức, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Như vậy, khi bạn sáng tác một bài hát và thể hiện nó dưới một hình thức vật chất nhất định (ví dụ: viết ra giấy) thì quyền tác giả của bạn đối với bài hát đó đã được phát sinh ngay lập tức mà không cần công bố hay đăng ký tác phẩm.

Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả:

Các hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định cụ thể tại Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ, sửa đổi bổ sung tại Khoản 8 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 bao gồm:

1. Xâm phạm quyền nhân thân, trong đó, quyền nhân thân bao gồm:

a) Quyền đặt tên cho tác phẩm,

b) Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sửdụng;

c) Quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

d) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

2. Xâm phạm quyền tài sản của tác giả, trong đó quyền tài sản bao gồm:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;

c) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

d) Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

đ) Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê.

3. Sử dụng tác phẩm đã công bố trong trường hợp không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao nhưng có hành vi:

- Làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, gây phương hại đến quyền của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả

- Không thông tin tên tác giả, nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm khi sử dụng

4. Sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép và phải trả tiền nhuận bút thù lao nhưng:

- Không trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả

- Làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, gây phương hại đến quyền của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả

- Không thông tin tên tác giả, nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm khi sử dụng

5. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật này.

6. Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.

7. Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

8. Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

9. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ.

Khi nào một tác phẩm có giai điệu tương tự một tác phẩm khác sẽ bị xem là xâm phạm quyền tác giả?

Thực tế có vô vàn các hành vi xâm phạm quyền tác giả ở các mức độ khác nhau, tuy nhiên để xác định một tác phẩm có giai điệu tương tự có xâm phạm quyền tác giả đối với một tác phẩm khác hay không, cần xác định được tác phẩm đó có các yếu tố xâm phạm quyền tác giả hay không. Để tạo nên một bài hát cần rất nhiều thành tố như hòa âm, nhịp, giai điệu, phép nội suy, sampling, flipping, tái chế phong cách và lời bài hát; khi một trong các “nguyên liệu” tạo nên bài hát không tuân thủ quy định về quyền tác giả nêu trên thì bài hát đã bị coi là “đạo nhái” và vi phạm quyền tác giả.

Tuy nhiên, một bài hát có giai điệu tương tự có thể do người sáng tác đã mua đoạn beat của tác giả khác và hòa âm, phối khí, sáng tác lời để tạo nên tác phẩm của riêng mình. Trong trường hợp này, mặc dù bài hát có giai điệu tương tự tuy nhiên nó được coi là một tác phẩm phái sinh hoàn toàn hợp pháp. Ngoài ra, để xác định có hành vi vi phạm hay không cần có sự thẩm định từ Hội đồng chuyên môn. Nếu chỉ nhận thấy giai điệu có phần giống nhau thì chưa thể khẳng định tác phẩm đó đã xâm phạm quyền tác giả.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer