Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay ở Việt Nam đang rất báo động, khi thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở nhiều hàng quán bán đồ ăn mà còn len lỏi vào những bếp ăn của trường học. Đặc biệt, khi xảy ra vụ việc hàng trăm học sinh trường Ischool ngộ độc thực phẩm phải nhập viện trong đó có cả trường hợp tử vong, dư luận lại càng thêm bức xúc vì vấn đề an toàn thực phẩm nhức nhối suốt một thời gian dài. Nhiều người đặt ra câu hỏi: “Pháp luật quy định chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm như thế nào mà nhiều trường hợp vẫn thiếu trách nhiệm, bất cẩn, chủ quan để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vậy?”. Trong phạm vi bài viết này, Luật Sao Việt sẽ làm rõ những vấn đề nêu trên, nhìn từ vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm tại trường Ischool .

Vụ 662 ca ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Ông chủ hộ cung cấp suất ăn là ai? - Ảnh 3.Ảnh khay thức ăn ngày 17/11/2022 được xét nghiệm có món cánh gà chiên nhiễm vi khuẩn.

Quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm là một khái niệm rất rộng, bởi thực phẩm trước khi đến được với người tiêu dùng và để người tiêu dùng có thể sử dụng được thì đã phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ quy trình trồng trọt, chăn nuôi; đến khâu sơ chế, chế biến và sau đó là vận chuyển, bảo quản. Trong mỗi một khâu này, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn phải được thực hiện. Tuy nhiên, vì trải qua quy trình rất dài nên việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm rất dễ xảy ra và người tiêu dùng hoàn toàn không thể biết được trước khi đến tay mình thì thực phẩm đó đã trải qua những khâu sản xuất, chế biến, bảo quản như thế nào. Vì vậy, Nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật để điều chỉnh vấn đề này, từ Luật An toàn thực phẩm năm 2010; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Bộ luật Dân sự; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Bộ luật Hình sự; Luật xử lý vi phạm hành chính,...  đến những văn bản hướng dẫn thi hành các luật nói trên.

Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm là hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng. Trong đó, những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm được cụ thể hóa trong luật cũng rất rộng bao gồm:

- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm;

- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm;

- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm;

- Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.

Chế tài xử lý hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

Nguyên tắc chung để xử lý hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm được nêu tại điều 6 Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Trong đó, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATVSTP sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

* Chế tài dân sự:

Theo quy định tại khoản 1, Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015 thì: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".

Như vậy, người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh và bị ngộ độc. Nếu việc thỏa thuận bồi thường không thành, người tiêu dùng có thể khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú để được bảo vệ quyền lợi của mình. Số tiền được bồi thường bao gồm thiệt hại thực tế (chi phí điều trị, thuốc men, tiền công cho những ngày nghỉ làm để điều trị….) và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu.

* Chế tài xử phạt vi phạm hành chính

Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 có mức xử phạt tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân và tối đa 200 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, đối với những vi phạm cụ thể thì nhiều mức phạt còn rất nhẹ, chưa có tính chất răn đe. Ví dụ: Mức phạt đối với các hành vi: “Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến” của loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể chỉ là từ 1.000.000 đồng đến 3 triệu đồng. (Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP). Tuy nhiên, mức phạt này quá nhẹ và không có tính chất răn đe bởi đối với nhiều doanh nghiệp kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ thì mức lãi 1 ngày có thể đã cao hơn nhiều lần so với mức phạt nêu trên. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận bị phạt vì lợi nhuận đối với họ vẫn rất cao, trong khi đó nếu thực hiện đúng quy định an toàn thực phẩm thì doanh thu sẽ bị ảnh hưởng vì chi phí bỏ ra khá nhiều.

Đối với những vụ việc ngộ độc thực phẩm như vụ việc đã xảy ra tại trường Ischool Nha Trang, mức phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng với hành vi “ Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;" đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm trong một vài tháng, buộc tiêu hủy thực phẩm vi phạm, buộc chịu mọi chi phí cho người bị ngộ độc,....

* Chế tài xử lý hình sự:

Tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 có quy định về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm như sau:

Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;

c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

đ) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

e) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%...”

Như vậy, quy định này đã xử lý những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm ngay từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến, cung cấp, bảo quản thực phẩm. Trong đó, nhấn mạnh yếu tố “biết rõ” trong những hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất trong quá trình chăn nuôi, chế biến, cung cấp thực phẩm tại khoản a, b,c,d nhưng giảm nhẹ bằng cụm từ “mà biết là” đối với hành vi quy định tại khoản đ, e. Đồng thời, Điều 317 BLHS năm 2015 cũng phân chia rõ 2 dấu hiệu tội phạm khác nhau. Ở những hành vi quy định trong khoản a, b, c thì chỉ cần có một trong các hành vi khách quan như sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến bảo quản thực phẩm; sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích nông sản... không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sử dụng với dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm, hoặc nằm ngoài danh mục được phép sử dụng... là đã đủ căn cứ xử lý hình sự mà không cần thiết phải có hậu quả xảy ra. Ngược lại, đối với những hành vi quy định tại khoản đ, d, e như chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm... thì hậu quả gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên phải xảy ra thì mới đủ căn cứ xử lý hình sự. 

Mặc dù quy định này cũng đã tăng nặng mức phạt và cụ thể hóa các hành vi vi phạm so với quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999, tuy nhiên đây vẫn là quy định xa rời thực tế. Có thể thấy ở thời điểm hiện tại, số lượng người chế biến, cung cấp, buôn bán thực phẩm bẩn, không an toàn trên thị trường rất nhiều nhưng hầu như không có vụ nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sở dĩ thực tế này xảy ra do quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 317 BLHS đã phân tích nêu trên buộc người bán phải “biết rõ” là thực phẩm có sử dụng chất cấm, không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm và phải gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với một tỷ lệ phần trăm nhất định hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên…thì mới bị xử lý hình sự. Vậy thế nào là “biết rõ”? Đối với những người buôn bán nhỏ lẻ, thậm chí với các siêu thị lớn thì việc bắt buộc người bán (hoặc người nhập hàng của siêu thị) phải biết sản phẩm nào có sử dụng chất cấm và sử dụng có vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hay không là một điều rất khó khăn, rất thiếu thực tế. Và ngay cả khi biết thực phẩm mình bán không bảo đảm vệ sinh, họ cũng không thú nhận điều đó, việc chứng minh người bán “biết rõ” là công việc của cơ quan điều tra, nhưng chứng minh như thế nào thì câu chuyện lại đi vào ngõ cụt. Như vậy, hầu hết hành vi vi phạm có thể sẽ không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được, và quy định này không phát huy tác dụng răn đe, giáo dục người dân. Chưa kể, quy định về mức thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng mới bị xử lý hình sự cũng sẽ bỏ lọt lượng lớn hành vi phạm tội của những cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ.

Trách nhiệm pháp lý trong vụ án vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại trường Ischool

Ngày 23/11, Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại trường Ischool Nha Trang.

Trước đó, theo thông tin báo chí đã đưa tin, từ tối 17/11 đến sáng 22/11, các bệnh viện của Khánh hòa tiếp nhận hơn 600 học sinh trường Ischool Nha Trang ngộ độc sau bữa ăn trưa, trong đó một ca tử vong. Theo Viện Pasteur Nha Trang, kết quả kiểm nghiệm các mẫu thức ăn tại trường Ischool Nha Trang vào trưa 17/11 cho thấy món cánh gà chiên bị nhiễm khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và E. Coli. Ngoài ra, vi khuẩn Bacillus cereus còn có trong mẫu nước mắm. Theo các chuyên gia y tế, cánh gà không bị nhiễm Bacillus cereus từ trước khi chế biến vì vi khuẩn đã bị tiêu diệt ở hơn 100 độ C nên chỉ có thể nhiễm khuẩn từ môi trường nhà bếp, hoặc quá trình bảo quản sau chế biến. Theo hiệu trưởng Trường Ischool Nha Trang, nhà trường ký hợp đồng với Hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam để cung cấp bữa ăn cho học sinh. Thức ăn sẽ được chế biến tại nhà trường theo đúng quy định, quy trình và nguồn nguyên liệu chế biến do hộ ông Lam tự liên hệ. 

Nếu thông tin ban đầu chính xác thì cơ bản có thể tạm loại bỏ trách nhiệm của đơn vị cung cấp nguyên liệu gà tươi ban đầu, trách nhiệm còn lại sẽ thuộc về đơn vị chế biến, bảo quản thức ăn và nhà trường. 

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ xác định khâu nào gây lây nhiễm vi khuẩn, từ đó nếu xác định được đơn vị chế biến “biết” thực phẩm không bảo đảm nhưng vẫn cung cấp cho trường học thì sẽ xử lý hình sự đối với người chịu trách nhiệm cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, như đã phân tích nêu trên, vấn đề chứng minh đơn vị cung cấp “biết” thực phẩm không đảm bảo vệ sinh mà vẫn cung cấp cho trường học sẽ gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra và thậm chí có thể không truy cứu trách nhiệm hình sự được nếu quy trình chế biến được thực hiện đúng và việc cánh gà nhiễm độc không phải do cơ sở chế biến “cố ý” mà do yếu tố khách quan gây ra.

Về phía nhà trường, nhà trường có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình những học sinh bị ngộ độc theo quy định của Bộ luật dân sự. Việc bồi hoàn giữa nhà trường và cơ sở cung cấp thực phẩm sẽ được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer