Vừa qua, ngày 14/8/2023, trên địa bàn quận Long Biên – Hà Nội đã xảy ra vụ việc bắt cóc trẻ em tống tiền hết sức nghiêm trọng gây xôn xao dư luận.

Đối tượng gây án được xác định là Nguyễn Đức Trung sinh năm 1992, quê quán huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc. Tại cơ quan Công an, bước đầu, đối tượng Trung khai nhận do nợ nần nên nảy sinh ý định bắt cóc trẻ em để đòi tiền chuộc. Khoảng 19h ngày 14/8/2023, Trung điều khiển ô tô đi nhiều vòng quanh khu đô thị Việt Hưng thì phát hiện bé trai (sinh năm 2016) đang đạp xe nên đã khống chế, bắt cóc cháu. Sau đó, Trung đã yêu cầu cháu bé đọc số điện thoại của người thân, và gọi cho mẹ cháu bé là chị H yêu cầu nộp 15 tỷ đồng để chuộc con. Ngay sau đó, cơ quan công an đã bắt giữ nghi phạm và tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc

Liên quan đến vụ việc này nhiều người không khỏi thắc mắc về trách nhiệm pháp lý được đặt ra đối với với nghi phạm Nguyễn Đức Trung. Liệu nghi phạm sẽ phải đối diện với tội danh và mức án nào?

Theo nhận định của Luật Sao Việt, hành vi của Nguyễn Đức Trung có dấu hiệu của tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 169 BLHS 2015:

“ 1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

….4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên;

d) Làm chết người.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Mặc dù trong Điều luật không mô tả cụ thể về hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng có thể thấy đây là hành vi bắt, giữ người khác một cách trái pháp luật để làm con tin, thường do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý nhằm buộc người muốn chuộc phải nộp cho mình tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt, giữ. Có thể thấy, hành vi khách quan của tội danh này gồm: Hành vi bắt cóc người khác làm con tin và hành vi chiếm đoạt tài sản. Theo đó 2 hành vi này phải có mối liên hệ mật thiết với nhau, hành vi bắt cóc là tiền đề, cơ sở và là thủ đoạn quyết định đến việc đối tượng có thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản.

Khác với một số tội xâm phạm sở hữu khác chỉ hướng đến quan hệ tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản xâm phạm đồng thời cả quan hệ tài sản của người khác, và còn xâm phạm đến cả quan hệ nhân thân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sức khoẻ, tính mạng của nạn nhân và những người khác.

Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là một trong những tội có cấu thành hình thức, vì vậy, không phụ thuộc vào việc đối tượng có đòi được tiền chuộc hay không mà chỉ cần đối tượng thực hiện xong hành vi bắt cóc người khác làm con tin để chiếm đoạt tài sản thì tội phạm đã được xem là hoàn thành. Đối chiếu với vụ việc bắt cóc trẻ em nêu trên, đối tượng Nguyễn Đức Trung đã thực hiện hành vi bắt cóc cháu bé 7 tuổi nhằm mục đích để đòi 15 tỷ tiền chuộc, vì vậy hành vi của Trung sẽ chịu trách nhiệm hình sự về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, với mức phạt tù từ 15 năm đến 20 năm, cao nhất là tù chung thân – được quy định tại Khoản 4 Điều 169 Bộ Luật Hình sự 2015.

Mặt khác, theo báo chi đưa tin, khi sự việc bị bại lộ, đối tượng Trung đã sử dụng súng bắn đạn cao su chống trả và làm một chiến sĩ công an bị thương. Hành vi tự ý sử dụng súng bắn đạn cao su của Trung đã vi phạm quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 và Điều 3 Thông tư 17/2018/TT-BCA. Theo đó, chỉ một số những đối tượng nhất định, có chứng chỉ sử dụng công cụ hỗ trợ mới được phép sử dụng súng bắn đạn cao su như lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, cảnh sát biển, lực lượng thi hành án dân sự, cơ quan điều tra VKSND Tối cao, kiểm ngư, hải quan, kiểm lâm hay người bảo vệ các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hay các đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo vệ, bảo vệ dân phố…Vì vậy, việc tự ý sử dụng súng bắn đạn cao su có thể bị xử phạt theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ với mức phạt tiền 2-5 triệu đồng. Hơn nữa, Việc Trung sử dụng súng bắn làm bị Thương chiến sĩ cảnh sát còn có thể bị xử lý hình sự về Tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ Luật Hình sự 2015. 

 

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer