Chào Luật sư Sao Việt! Theo tôi được biết, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có hiệu lực ngày 01/01/2021 và có một số thay đổi đáng kể so với Luật Doanh nghiệp cũ, đặc biệt là các quy định liên quan đến thành lập doanh nghiêp. Vậy Luật Sao Việt có thể làm rõ các điểm mới đó giúp tôi được không? Trân trọng!

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:  

Luật Doanh nghiệp 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 tại kỳ họp thứ 9 có hiệu lực từ 01/01/2021. Luật Doanh nghiệp 2020 đã đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí thực hiện.

Bài viết dưới đây tổng hợp các điểm mới của Luật doanh nghiệp 2020 về vấn đề thành lập doanh nghiệp so với Luật doanh nghiệp 2014, mong có thể giải đáp được thắc mắc của bạn.

1. Bổ sung đối tượng không được thành lập doanh nghiệp

Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp

“Điều 17. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.”

Luật doanh nghiệp 2020 đã bổ sung thêm các nhóm đối tượng sau đây không được thành lập và quản lý doanh nghiệp như: công nhân công an; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đang bị tạm giam; tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

2. Quy định các phương thức nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh

Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định hiện nay, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp hồ sơ qua mạng thông tin điện tử.

Luật doanh nghiệp 2020 đã ghi nhận đa dạng các phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, tạo thuận lợi, dễ dàng cho người nộp hồ sơ khi mới thành lập doanh nghiệp.

 “Điều 26. Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp

1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:

a) Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;

b) Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;

c) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.”

3. Thông báo mẫu dấu doanh nghiệp

Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải mẫu con dấu công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” (Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014)

Luật doanh nghiệp 2020 (Khoản 2, Khoản 3 Điều 43) đã bãi bỏ quy định về thủ tục thông báo mẫu dấu.

“Điều 43. Dấu của doanh nghiệp

1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.”

Như vậy đã không còn quy định các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên con dấu của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu cho Cơ quan đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, Quy định mới còn bổ sung hình thức con dấu doanh nghiệp có thể là dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Điều này, giúp doanh nghiệp tự chủ trong việc sử dụng con dấu của doanh nghiệp và phù hợp với tình hình thực tế và xu thế sử dụng giao dịch điện tử như hiện nay.

4. Tên địa điểm kinh doanh

Theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật doanh nghiệp 2014 về tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh: “tên chi nhánh, văn phòng đại diện phải mang tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “ Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện.

Luật doanh nghiệp 2020 đã bổ sung quy định về tên địa điểm kinh doanh, cụ thể:

Điều 40. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh

2. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.

Như vậy, Luật doanh nghiệp 2020 quy định bắt buộc đối với tên địa điểm kinh doanh bắt buộc phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh” mà Luật doanh nghiệp 2014 hiện hành chỉ quy định đối với Chi nhánh, Văn phòng đại diện.

5. Tạm ngừng kinh doanh

Quy định tại Điều 200 Luật doanh nghiệp 2014“doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Quy định này áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.”

Luật doanh nghiệp 2020 quy định rút ngắn thời hạn thông báo tạm ngừng kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh, cụ thể:

“Điều 206. Tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh

1. Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.”

Như vậy, thời hạn thông báo tạm ngừng kinh doanh đã được rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh.

Trên đây là tổng hợp một số điểm mới cơ bản của Luật doanh nghiệp 2020 so với Luật doanh nghiệp 2014 về các vấn đề liên quan đến thành lập doanh nghiệp. Nhìn chung, Luật doanh nghiệp 2020 đã có những sửa đổi đáng kể tạo điều kiện thuận lợi cho người thành lập doanh nghiệp và cho doanh nghiệp, giảm bớt được thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếpSố 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Emailcongtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer