Tôi và bạn gái chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Trong thời gian sống chung, bạn gái tôi đã có thai, khi đứa trẻ sinh ra bạn gái tôi đã làm giấy khai sinh cho con nhưng chỉ để tên mẹ, bỏ trống các thông tin về bố. Bây giờ cháu đã được 3 tuổi nên chúng tôi định đưa con về quê để chuẩn bị đi học và đăng ký kết hôn. Xin hỏi sau khi đăng ký kết hôn, tôi muốn bổ sung tên bố trên giấy khai sinh của con thì phải làm thủ tục gì? Liệu có phải thực hiện thủ tục nhận cha con hay không?

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 16 Thông tư 04/2022/TT-BTP quy định về việc đăng ký nhận cha mẹ con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt như sau:

“Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.”

Như vậy, với trường hợp của bạn, nếu muốn bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con thì bạn không cần làm thủ tục nhận cha con mà chỉ cần thực hiện như sau:

1, Hai vợ chồng lập văn bản thừa nhận đứa trẻ là con chung của 2 vợ chồng

2, Thực hiện thủ tục bổ sung hộ tịch – bổ sung tên cha trên giấy khai sinh của con

Hiện nay, thủ tục bổ sung hộ tịch được quy định tại Điều 29 Luật Hộ tịch 2014 và được hướng dẫn tại Điều 18 Thông tư 04/2022/TT-BTP như sau:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Tờ khai bổ sung hộ tịch (bổ sung thông tin cha trên giấy khai sinh của con)

- Văn bản thừa nhận con chung của 2 vợ chồng

- Giấy khai sinh của con

Bước 2: Người có yêu cầu bổ sung hộ tịch nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch Ủy ban nhân dân xã

Khi nộp hồ sơ, người nộp xuất trình kèm theo giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, hộ chiếu

Bước 3: Tiếp nhận và xử lý

Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy yêu cầu bổ sung hộ tịch là đúng, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng trong Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Lưu ý: Khi vợ chồng lập văn bản thừa nhận con chung thì phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu các thông tin không đúng sự thật theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2022, cụ thể:

1. Trường hợp cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung yêu cầu đăng ký hộ tịch thì cơ quan đăng ký hộ tịch phải giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật.

2. Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan không đúng sự thật.

Đồng thời, ở mức độ nghiêm trọng, người cố tình thừa nhận sai sự thật về con chung của 2 vợ chồng khi bổ sung hộ tịch còn có thể bị phạt hành chính từ 3 triệu – 5 triệu đồng theo Điều 44 Nghị định 82/2020/NĐ-CP:

“Điều 44. Hành vi vi phạm quy định về thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cam đoan, làm chứng, sai sự thật về nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để làm thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc;

c) Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật khi làm thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi hoặc nhằm mục đích trục lợi khác.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer