Quyền được đảm bảo bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các bí mật riêng tư khác là một trong trong những quyền cơ bản của con người, được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Điện thoại, máy tính và các vật dụng cá nhân khác là nơi lưu trữ các thông tin, dữ liệu, bí mật riêng tư của cá nhân, vì vậy không ai được phép xâm phạm quyền riêng tư đó. Tuy nhiên nếu thuộc 2 trường hợp sau đây, công an vẫn có quyền thu giữ, kiểm tra điện thoại của công dân, cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Điện thoại là tang vật vi phạm hành chính

Điều kiện kiểm tra, khám xét:

-Theo quy định tại Điều 119,  Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính 2020, trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp khám đồ vật bao gồm điện thoại, vật dụng, thiết bị cá nhân khác khi có căn cứ cho rằng trong đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.

-Việc kiểm tra, khám xét điện thoại, đồ vật nói chung phải được lập thành văn bản. Khi tiến hành khám đồ vật phải có mặt chủ đồ vật hoặc phải có 02 người chứng kiến.

Thẩm quyền kiểm tra: được quy định tại Khoản 1 Điều 123, khoản 3 Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính bao gồm: Trưởng Công an phường; Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ,..Chiến sĩ cảnh sát nhân dân đang thi hành công vụ được khám điện thoại nếu có căn cứ cho rằng nếu không khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy và phải báo cáo ngay cho Thủ trưởng trực tiếp của mình, chịu trách nhiệm về việc khám.

Trường hợp 2 : Điện thoại là vật chứng liên quan đến các vụ án hình sự

Theo Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, điện thoại được xem là phương tiện điện tử lưu trữ các dữ liệu điện tử (dữ liệu điện tử là các ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử). Hơn nữa, dữ liệu điện tử là một trong các nguồn chứng cứ trong vụ án hình sự:

"Điều 87. Nguồn chứng cứ

1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

a) Vật chứng;

b) Lời khai, lời trình bày;

c) Dữ liệu điện tử;

d) Kết luận giám định, định giá tài sản;

đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

g) Các tài liệu, đồ vật khác."

Về điều kiện khám xét:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc khám xét điện thoại nói riêng và các vật dụng khác nói chung chỉ xảy ra trong các trường hợp:

- Khi có căn cứ để nhận định trong phương tiện đó đó có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

- Khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.

Mọi trường hợp khám xét đều được lập biên bản.

Thẩm quyền ra lệnh khám xét, kiểm tra: được quy định tại Điều 193 BLHS 2015 bao gồm:

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong.

Như vậy, công an được quyền thu giữ, kiểm tra, khám xét điện thoại của cá nhân khác khi có căn cứ cho rằng trong điện thoại đó có chứa dữ liệu điện tử, các tài liệu khác liên quan đến các vụ án hình sự, hành chính. Việc khám xét phải đáp ứng các điều kiện và đúng thẩm quyền, trình tự mà luật định.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer