Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau: Tôi là bị cáo duy nhất trong vụ án Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và bị tuyên phạt 16 tháng tù. Tôi đã làm đơn kháng cáo bản án nhưng nay lại đổi ý muốn rút lại toàn bộ đơn kháng cáo để đi chấp hành án luôn thì có được không? Mong được giải đáp.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (Người có quyền kháng cáo), bạn là bị cáo nên có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm. Đồng nghĩa với việc, bạn cũng có quyền rút đơn kháng cáo này.

Tuy nhiên, do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên khi bạn rút đơn kháng cáo sẽ xảy ra các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Rút đơn kháng cáo khi vẫn còn trong thời hạn kháng cáo

Tại Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

Điều 333. Thời hạn kháng cáo

1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định trên, thời hạn kháng cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày bạn nhận được bản án/bản án được niêm yết theo quy định.

Nếu chưa hết thời hạn kháng cáo này mà bạn làm đơn rút kháng cáo, đồng thời không có kháng nghị của Viện kiểm sát thì bạn sẽ phải chờ đến khi hết thời hạn kháng cáo. Bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực kế từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị (Điều 343 BLTTHS 2015) và bạn có thể đi chấp hành án.

“Điều 343. Hiệu lực của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không có kháng cáo, kháng nghị

Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị”

Tuy nhiên, nếu có đơn kháng cáo của những người có quyền kháng cáo khác hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát thì bản án vẫn chưa có hiệu lực pháp luật và phải tiến hành các thủ tục để xét xử phúc thẩm.

Trường hợp 2: Rút đơn kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm

Theo quy định tại khoản 2 Điều 342 BLTTHS 2015:

“Điều 342. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị

2. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải lập văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho Viện kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa được ghi vào biên bản phiên tòa.”

Như vậy, nếu bạn muốn rút đơn kháng cáo toàn bộ bản án (khi đã hết thời hạn kháng cáo) trước khi mở phiên tòa thì bạn phải làm đơn gửi tới Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm để xin rút kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm thông báo cho Viện kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết về việc rút kháng cáo này của bạn.

Sau đó, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ xem xét nếu như không có đơn kháng cáo của những người kháng cáo khác hoặc không có kháng nghị của Viện kiểm sát thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 348 BLTTHS 2015, bản án hình sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm:

“Điều 348. Đình chỉ xét xử phúc thẩm

1. Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với vụ án mà người kháng cáo đã rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát đã rút toàn bộ kháng nghị. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.”

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng vẫn có kháng cáo của những người có quyền kháng cáo khác hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát, khi đó, dù bạn đã có đơn rút kháng cáo toàn bộ bản án thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp 3: Rút đơn kháng cáo trước khi bắt đầu phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm

Bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn việc rút đơn kháng cáo toàn bộ bản án trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm. Quyền này được quy định rõ tại khoản 1 Điều 342 BLTTS 2015 như sau:

“Điều 342. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị

1. Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; người kháng cáo rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo; Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị.”

Khi đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sẽ xem xét ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm (theo quy định tại khoản 1 Điều 348 BLTTHS 2015). Cùng với đó, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Tuy nhiên, cũng như tất cả các trường hợp trên, nếu tại thời điểm này vẫn đang có kháng cáo của những người có quyền kháng cáo khác hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát thì vụ án vẫn tiến hành xét xử phúc thẩm một phần/toàn bộ bản án đang bị kháng cáo/kháng nghị theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Và bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực ngay kể từ ngày tuyên án (khoản 2 Điều 355 BLTTHS 2015). 

Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer