Chào Luật sư, tôi muốn hỏi về một việc như sau: Mấy hôm trước, trên đường đi làm về, tôi đi xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, cũng không có giấy phép lái xe, nên khi gặp cảnh sát giao thông, tôi đã không chấp hành hiệu lệnh dừng xe mà cố lao vượt lên, mất lái đâm vào xe máy đi ngược chiều. Hậu quả là tôi bị gãy xương hàm bên dưới, còn xe bên kia thì bạn nữ bị gãy mất một răng cửa. Tôi đã thỏa thuận bồi thường trồng răng cho nạn nhân bên kia nhưng người ta không đồng ý. Hiện công an đã lấy lời khai của tôi và bạn kia. Tôi muốn hỏi trường hợp như thế này thì tôi có thể bị xử lý như thế nào ạ. Gia đình tôi không có điều kiện, nếu trường hợp xấu nhất kiện cáo thì sẽ ra sao ạ?

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

  1. Căn cứ pháp lý:

Luật giao thông đường bộ năm 2008

Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

Thông tư 22/2019/TT-BYT ngày 28/08/2019

Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP

Bộ luật Dân sự năm 2015

  1. Nội dung tư vấn

       Thứ nhất, về hành vi bỏ chạy khi CSGT yêu cầu dừng xe:

        Khi CSGT yêu cầu dừng xe nhưng bạn không chấp hành hiệu lệnh, lại cố vượt lên, bị mất lái và đâm vào chiếc xe máy đi ngược chiều. Như vậy bạn đã không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11 Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Với hành vi “không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông” dẫn đến gây tai nạn thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, cũng như hậu quả gây ra mà bạn có thể bị xem xét xử lý hình sự hoặc bị xử phạt hành chính.

+ Trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS 2015 sửa đổi):

 “Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ      

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

…”

Trách nhiệm hình sự được đặt ra khi có một trong các căn cứ sau:

- Gây chết người

-  Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Trường hợp có các yếu tố nêu trên thì cùng với việc không có giấy phép lái xe theo quy định, bạn có thể sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 2 Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi, với khung hình phạt từ 3- 10 năm. Với tội danh này, việc bạn thỏa thuận bồi thường với bị hại chỉ là căn cứ xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bạn.

     Hành vi của bạn tuy không gây ra hậu quả chết người, nhưng có thiệt hại là bạn bị gãy xương hàm dưới, và bạn nữ xe bên kia thì bị gãy mất một răng cửa. Đối chiếu quy định tại tiểu mục 1, mục II, và mục I Chương 11 Bảng 1 Ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BYT về Quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong Giám định pháp y thì:

+ Tỷ lệ thương tật do gãy 01 răng cửa sẽ là 2%. Răng cửa còn lại lung lay sẽ phải theo dõi thêm, nếu răng rụng không bảo tồn được thì cộng thêm 2% nữa.

+ Trường hợp của bạn bị gãy xương hàm dưới thì tỷ lệ thương tật, tùy vào mức độ có thể được xác định trong khoảng 8% - 35%. Tuy nhiên, kết quả thương tật nêu trên chỉ có giá trị tham khảo, việc xác định tỷ lệ thương tật/tổn thương cơ thể chính xác phải phụ thuộc vào giám định của cơ quan chức năng.

=>> Do đó, trường hợp bạn không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông dẫn đến tai nạn thì bạn cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, bạn vẫn bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cụ thể tại điểm g khoản 4 và điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, thì hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 800.000 đồng – 1.000.000 đồng, và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng.

Ngoài ra, bạn còn vi phạm thêm lỗi “không đội mũ bảo hiểm”, “không có giấy phép lái xe” khi điều khiển xe mô tô (xe máy) tham gia giao thông. Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì: hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, sẽ bị xử phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng (điểm đ khoản 4 Điều 8). Còn hành vi không có giấy phép lái xe khi điều khiển xe máy tham gia giao thông, sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng nếu xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3; hoặc bị phạt từ 4.000.000 đồng- 5.000.000 đồng nếu xe máy, xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên- (theo điểm a khoản 5, điểm b khoản 7 Điều 21).

Thứ hai, về việc bồi thường cho bên bị hại:

       Vì bạn không chấp hành hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông dẫn đến hậu quả là gây ra tai nạn giao thông, làm cho bạn nữ điều khiển xe bị gãy răng cửa – tổn thương cơ thể. Trường hợp này, bạn được xác định là người có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho bạn nữ kia. Theo quy định tại Điều 584, 585, 589, 590 Bộ luật Dân sự năm 2015, bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn nữ kia tương ứng với phần lỗi của bạn trong vụ việc này.

         Việc bồi thường trước hết sẽ do hai bên tự thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được, bạn nữ bị thiệt hại này có quyền khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tài sản bị xâm phạm. Bạn cần lưu ý, bạn sẽ chỉ phải bồi thường trong phạm vi lỗi mà bạn gây ra. Nếu bạn nữ đi xe máy ngược chiều bị bạn đâm phải cũng có một phần lỗi trong việc gây ra tai nạn thì bạn không có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do phần lỗi mà bạn ấy gây ra. Tuy nhiên, để tránh các vấn đề kiện tụng, nếu có thể, bạn vẫn nên ưu tiên thỏa thuận với người bị hại về vấn đề bồi thường.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer