Xin chào Luật Sao Việt, tôi có một vấn đề xin được tư vấn như sau: Vì hay đau đầu nên mẹ tôi thường xuyên dùng hoạt huyết Nhất Nhất và mẹ tôi mua rất nhiều để dùng dần. Lần vừa rồi mẹ tôi mua thuốc ở chỗ người quen giới thiệu, họ bảo mua tận xưởng nên giá thấp hơn nhưng sau đó mẹ tôi phát hiện tpcn giả, khác hoàn toàn những lọ trước kia mẹ tôi dùng. Khi mẹ tôi trả hàng thì họ không nhận, họ khẳng định họ bán hàng thật còn mẹ tôi tráo hàng giả vào. 

Tôi muốn hỏi những người làm thực phẩm chức năng giả ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người khác thì bị xử lý thế nào? Nếu báo cơ quan công an thì họ sẽ xử lý các trường hợp này ra sao? Tôi xin cảm ơn/

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Trước hết, cần xác định Hoạt huyết dưỡng não Nhất Nhất là thuốc hay thực phẩm chức năng. Việc xác định rõ tính chất của mặt hàng này sẽ giúp quyết định hình thức và mức độ xử lý đối với hành vi làm giả sản phẩm “hoạt huyết Nhất Nhất”.

Theo thông tin được đăng tải công khai về sản phẩm này trên trang chủ của Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất thì Hoạt Huyết Nhất Nhất là thuốc thảo dược, không phải là thực phẩm chức năng.

Vì vậy, hành vi làm giả Hoạt huyết Nhất Nhất là hành vi sản xuất và tiêu thụ thuốc giả. Đây là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 6 Luật Dược 2016.

Buôn bán thuốc giả là cũng là một trong các tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017). Cụ thể, Luật quy định như sau:

"Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Buôn bán qua biên giới;

g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

..."

Trong vụ việc của mẹ bạn, vì chưa rõ thông tin về quy mô sản xuất thuốc giả cũng như giá trị số thuốc giả đã được sản xuất và tiêu thụ, vì vậy chúng tôi chưa thể đưa ra nhận định chính xác nhất về trách nhiệm pháp lý mà cá nhân/tổ chức sản xuất thuốc giả phải chịu. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo quy định tại Điều 194 nêu trên.

Trường hợp này, bạn có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an cấp huyện, đội quản lý thị trường tại địa phương và cục quản lý dược Bộ Y tế để xử lý hành vi làm giả thuốc chữa bệnh.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 

E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer