Lướt tiktok tôi thấy rất nhiều người Livestream và đăng các clip coi bói, vợ tôi cũng rất nghiện xem bói, nhiều khi xem bói xong về lại nghĩ ngợi lung tung.  Theo tôi được biết thì việc xem bói là hành nghề mê tín dị đoan và có thể bị xử phạt. Vậy tại sao những clip xem bói, livestream xem bói vẫn rất hot, thậm chí nhiều cô đồng còn trở nên nổi tiếng mà không hề bị xử phạt?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Việc xem bói từ xưa tới nay đã trở thành một trong những việc làm “khá phổ biến” trong đời sống người Việt, được thực hiện khi người muốn xem bói gặp vấn đề cần lời khuyên hoặc trước khi tổ chức một sự kiện nào đó trọng đại. 

Về mặt pháp luật, nhà nước chưa có quy định nào làm rõ khái niệm tổ chức hoạt động mê tín dị đoan. Tuy nhiên, Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội “hành nghề mê tín dị đoan” như sau:

“Tội hành nghề mê tín, dị đoan

1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Theo quy định nêu trên, từ phân tích mặt khách quan của tội phạm, có thể thấy mê tín dị đoan được thể hiện thông qua các hành vi như sau:

- Bói toán. Đây là hành vi đoán, phán chỉ về hiện tại, quá khứ và tương lai của người khác, chỉ dựa trên sự đoán mò theo kinh nghiệm về tâm lí con người mà không có cơ sở khoa học.

- Đồng bóng là hành vi tổ chức cúng lễ, lên đồng, cầu khấn.

- Các hình thức mê tín dị đoan như yểm bùa, trừ tà ma,...

Như vậy, xem bói là hành vi mê tín dị đoan và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xem bói, tổ chức xem bói có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.

Về xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về tổ chức lễ hội thì hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội có thể bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng. Hành vi lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng

Về xử lý hình sự, hành vi xem bói đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về tội hành nghề mê tín, dị đoan sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Với những vi phạm nghiêm trọng hơn, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm theo quy định tại Khoản 2 Điều 320 BLHS nêu trên. 

Vậy tại sao những clip coi bói trên mạng không bị xử phạt?

Thứ nhất, việc tổ chức xem bói được thực hiện “trên mạng” không phải “trong lễ hội” thì không thể áp dụng quy định tại  điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP để xử phạt.

Thứ hai, hành vi xem bói đó nếu không nhằm mục đích trục lợi, không gây hậu quả nghiêm trọng đáp ứng các quy định trong Điều 320 BLHS  thì không thể khởi tố HS.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer