Chào Luật sư.Tôi có người em trai do không có tiền kinh doanh nên đã vay tiền nặng lãi của dân xã hội. Em không có tiền để trả đúng thời hạn, nên đã bị họ đánh và lấy mất chiếc xe máy Wave alpha. Vậy hành động của nhóm đó đến siết nợ như vậy có phải chịu trách nhiệm gì không?

 

 

Trả lời:

Chào bạn!

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi.Với câu hỏi của bạn,Luật sư Sao Việt xin có quan điểm tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự 2015

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Nội dung tư vấn:

Căn cứ Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội cho vay lãi nặng như sau:

" Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về lãi suất như sau:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ".

Do bạn không nêu rõ các tình tiết như hình thức vay tiền, số tiền vay, lãi suất vay cụ thể và tỷ lệ thương tật (đã được giám định) nên chúng tôi không thể đưa ra ý kiến tư vấn cụ thể. Vì vậy, bạn cần đối chiếu với các quy định pháp luật nêu trên, nếu hành vi cho vay lãi nặng, hành vi đánh người thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm cùng với hành vi đánh đập, đe dọa em bạn để lấy xe máy là dấu hiệu cấu thành tội "cướp tài sản" theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm....”.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896

E-mail: saovietlaw@vnn.vn

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer