Vấn đề “có được tuyên bố chết đối với người bị truy nã hay không” hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể để giải quyết. Thực tế vẫn đang có nhiều luồng quan điểm khác nhau đối với vấn đề này, cụ thể như sau:

Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi quyết định truy nã có hiệu lực từ đủ 2 năm trở lên mà không có chút tin tức gì về người đang bị truy nã thì quyết định truy nã có thể được sử dụng làm căn cứ để Tòa án tuyên bố mất tích đối với người đó và giải quyết vấn đề ly hôn của người đó theo quy định tại Điều 68 Bộ luật dân sự 2015 để đảm bảo quyền lợi cho vợ/chồng của người đang bị truy nã.

Quan điểm thứ hai cho rằng không thể tuyên bố mất tích đối với người đang bị truy nã. Bởi người đang bị truy nã là người có dấu hiệu tội phạm, đang cố tình trốn tránh chứ không phải “biệt tích”. Hơn nữa nếu tuyên bố người đó mất tích thì sau 3 năm nếu vẫn chưa phát hiện được tung tích của người này thì người có quyền có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó đã chết theo quy định của Điều 71 Bộ luật dân sự 2015. Như vậy, quyết định tuyên bố người đó đã chết của Tòa án sẽ là căn cứ để đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 157, 248 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Như vậy là trái quy định pháp luật hình sự, không bảo đảm được việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng quyết định tuyên bố chết trong dân sự không phủ nhận Quyết định truy nã trong hình sự. Theo quy định tại các Điều 71, 72, 73 Bộ luật dân sự 2015 thì quyết định tuyên bố chết chỉ nói lên cái chết pháp lý để giải quyết các quan hệ dân sự của người này, chứ không có giá trị để giải quyết quan hệ hình sự. Và bản chất quy định về tuyên bố chết tại Điều 71 Bộ luật dân sự cũng không khẳng định hay xác nhận người đó đã chết về mặt sinh học.

Trường hợp phát hiện thấy đối tượng bị truy nã, Tòa án có thể hủy quyết định tuyên bố chết đối với đối tượng này theo quy đinh của Điều 73 Bộ luật dân sự 2015. Trong khi đó, nếu vì việc người phạm tội cố tình trốn tránh trách nhiệm hình sự, đến 10 năm, 20 năm… sau cũng không bắt được hoặc không phát hiện được tung tích của người trốn tuy nã cũng không giải quyết các quan hệ dân sự của họ (hôn nhân, chia thừa kế…) thì rõ ràng quyền lợi của những người liên quan sẽ bị treo ở đó và không có quy định nào để họ thực hiện quyền và được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. 

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896 hoặc E-mail: saovietlaw@vnn.vn.

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer