Hỏi: Tôi có một diện tích đất 240 m2, trong đó có 50 m2 làm nhà ở. Mới đây tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hai vợ chồng tôi dự định mở một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng nên muốn dùng mảnh đất và ngôi nhà trên để thế chấp vay tiền ngân hàng. Vậy tôi xin hỏi, tôi dùng ngôi nhà và diện tích đất trên để thế chấp vay ngân hàng có được không? Chúng tôi phải chấp hành nghĩa vụ gì và khi đến hạn trả nợ, nếu không có tiền để trả thì hậu quả như thế nào?

Đáp: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, câu hỏi của bạn Công ty Luật TNHH Sao Việt xin tư vấn như sau:

Căn cứ điều 317 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Thế chấp tài sản là là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

Căn cứ điều 168 Luật đất đai 2013 quy định: Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận.

Theo thông tin bạn cung cấp, vợ chồng bạn có một mảnh đất và đã được cấp Giấy chứng nhận. Do đó, bạn có đủ điều kiện để thế chấp quyền sử dụng diện tích đất trên để đảm bảo cho hợp đồng tín dụng . Tuy nhiên, xuất phát từ bản chất thế chấp tài sản là quan hệ dân sự nên ngoài những quy định bắt buộc như trên bạn cần phải đáp ứng một số quy định riêng theo từng yêu cầu của Ngân hàng. Do đó, bạn cần liên hệ trực tiếp với Ngân hàng bạn có nhu cầu vay tiền để trao đổi trực tiếp.

Khi bạn ký kết hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, bạn sẽ phải thực hiện theo những thỏa thuận mà 2 bên đã giao kết trong hợp đồng. Trong trường hợp, hợp đồng không có quy định thì bạn sẽ phải thực hiện theo quy định pháp luật. Tại điều 370 Luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của bên thế chấp:

1. Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

2. Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp.

3. Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.

4. Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên thế chấp phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

5. Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.

6. Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.

7. Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.

8. Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này.

Trên đây là tư vấn của công ty luật Sao Việt, nếu có thêm thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 1900 6243.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer