Trong vườn nhà tôi có một ngôi mộ thuộc một dòng họ trong cùng xã. Ngôi mộ này đã có từ trước khi gia đình tôi chuyển về đây sinh sống, và con cháu của họ vẫn đến mộ thắp hương, dọn dẹp mỗi dịp lễ tết. Trước đây ngôi mộ này chỉ là mộ đất có bia, sau này con cháu họ tôn tạo, xây thành mộ có ốp đá lớn. Vì không ảnh hưởng đến việc sử dụng đất và cũng tôn trọng người đã mất nên gia đình tôi không có ý kiến gì tuy nhiên gần đây gia đình tôi có ý định cất nhà cho anh cả để lấy vợ nên có thỏa thuận với con cháu của chủ ngôi mộ để họ chuyển đi, gia đình tôi sẽ bồi thường. Tuy nhiên họ không đồng ý. Vậy gia đình tôi có thể nhờ UBND xã hay Tòa án để giải quyết di dời phần mộ này không ạ? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Người sử dụng đất có quyền “Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai” (Khoản 6 Điều 166 Luật Đất đai 2013). Tuy nhiên, ở trường hợp của bạn, ngôi mộ này đã có từ trước khi gia đình bạn chuyển về sinh sống, nhưng bạn chưa chia sẻ thông tin gia đình bạn được cấp GCNQSDĐ vào thời điểm nào, do đó chúng tôi giả sử các trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Ngôi mộ này có trước thời điểm gia đình bạn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Trường hợp này, gia đình bạn đã chấp nhận việc có ngôi mộ trên đất của mình và sử dụng từ trước đến nay.  Vì vậy, việc ngôi mộ nằm trên đất không phải hành vi xâm phạm quyền sử dụng đất và gia đình bạn không có quyền yêu cầu di dời ngôi mộ nếu không có sự đồng ý của con cháu chủ mộ.

Nếu muốn di dời ngôi mộ này, bạn buộc phải thỏa thuận được với con cháu của chủ mộ để họ đồng ý di dời. Trường hợp không thỏa thuận được thì có thể gửi đơn lên UBND cấp xã nơi có tranh chấp để đề nghị hòa giải. Tuyệt đối không tự ý di dời ngôi mộ, nếu không gia đình bạn rất dễ bị truy cứu về tội xâm phạm mồ mả.

Trường hợp 2: Ngôi mộ này được xây dựng lên sau thời điểm người sử dụng đất được cấp GCN, người sử dụng đất không đồng ý việc ngôi mộ trên đất của mình nhưng gia đình chủ mộ không chuyển đi.

Phần đất của gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất có toàn quyền sử dụng, chiếm hữu và định đoạt. Vì thế việc xây cất, cải tạo... mộ trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình bạn mà chưa được sự đồng ý của gia đình bạn đều là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp này có quyền yêu cầu người vi phạm di dời mồ mả ra khỏi diện tích đất thuộc quyền sử dụng của mình.

Tuy nhiên, trường hợp này trước hết vẫn cần thỏa thuận, yêu cầu người quản lý mộ di dời phần mộ trên. Trường hợp không thỏa thuận được thì gửi đơn lên UBND cấp xã nơi có tranh chấp đất để đề nghị hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì có quyền nộp hồ sơ lên TAND nơi có đất để được giải quyết theo đúng quy định pháp luật hiện hành tại Điều 203 Luật Đất đai 2013.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer